"ĐẠO" SINH HOẠT - Bài 3: Nhìn lại một chút về sứ mệnh của Giáo Hội - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" SINH HOẠT - Bài 3: Nhìn lại một chút về sứ mệnh của Giáo Hội - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" SINH HOẠT - Bài 3: Nhìn lại một chút về sứ mệnh của Giáo Hội - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" SINH HOẠT 

Nhìn lại một chút về sứ mệnh của Giáo hội [1]

Có thể nói hầu hết mọi người thời Chúa Giêsu, từ những người Do Thái, những người nghèo được Chúa cứu chữa và cho ăn bánh cho đến các môn đệ của Chúa Giêsu đều tưởng rằng Đấng Mê-si-a sẽ thiết lập Nước Trời bằng cách tổ chức một triều đình, với các chức tước và đạo quân hùng mạnh để chinh phục và thống trị muôn dân.

Thế nhưng Đức Giêsu lại đã đi con đường cứu độ theo Thánh ý Chúa Cha. Đó là con đường rao giảng Nước Trời với những giá trị mới, những giá trị có khả năng đón nhận mọi người, nhất là những người bé mọn và bị loại trừ: khó nghèo, hiền lành, thương xót, tha thứ, tôn trọng những người bé mọn, tin tưởng và gắn bó với Chúa trong niềm Tin [xc. Mt 5-7 và //] . . . Rồi Ngài đã hy sinh mạng sống của mình để làm bảo chứng cho những hạt men, hạt mầm Nước Trời ấy [xc. Lc 13, 18-21] được chiến thắng.

Giáo Hội được triệu tập, có Chúa Giêsu Phục Sinh luôn ở cùng [xc. Mt 28,20] và nhờ quyền năng Thánh Thần của Ngài [xc. Lc 24, 49] để đảm nhận trách nhiệm gieo vãi men Tin Mừng khắp thế gian.

Do đó, biến cố Đấng Mê-si-a đến được kéo dài thành quãng thời gian giữa hai lần Chúa đến, đó là thời gian Cánh Chung và là thời gian của Giáo Hội. Tất cả ý nghĩa, tất cả lý do hiện hữu của Giáo Hội là, sống giữa hai lần Chúa đến, nỗ lực loan báo Tin Mừng, làm cho Nước Trời được rộng mở và thấm nhập vào trần gian. Giáo hội được triệu tập và tổ chức hữu hình không phải là để tự củng cố và trở nên hùng mạnh, nhưng là để trở nên “Bí tích Nước Trời” ở trần gian [xc. GH 1], để gieo vãi hạt giống Tin Mừng và làm cho chính trần gian này trời thành Nước Trời mai sau.

Tất cả chúng ta được mời gọi gia nhập Giáo Hội trong Chúa Kitô, và nhờ ân sủng Thiên Chúa, chúng ta nên thánh trong Giáo hội. Và Giáo Hội chỉ kết thúc trong vinh quang trên trời, khi thời cải tạo mọi sự đến [xc. Cv 3,21] và khi toàn thể vũ trụ cùng với loài người được thiết lập toàn vẹn trong Chúa Kitô, vì vũ trụ liên kết mật thiết với con người và nhờ con người đạt được cùng đích của mình [xc. Ep 1,10; Cl 1,20; 2Pr 3,10-13]. [GH 48 a, bản dịch của Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện thánh Pio X].

KẾT

Liệu Giáo hội Công giáo Việt Nam có nguy cơ không còn là một cộng đoàn những người tin, nhưng biến thành một tổ chức?

Dĩ nhiên, cần phải nhắc lại một lần nữa, không ai chủ trương một Giáo Hội không có tổ chức hay sinh hoạt; và cũng không ai dám phủ nhận giá trị của những tổ chức và sinh hoạt ấy trong Giáo Hội. Kitô giáo hoàn toàn không phải là một thứ đạo tại tâm, nhưng là một sự liên kết, hiệp thông, gắn bó cụ thể với Đức Giêsu qua anh chị em của mình và qua Giáo Hội hữu hình. Qua những tổ chức và sinh hoạt trong Giáo Hội, người Kitô sống mối hiệp thông với Đức Giêsu; đồng thời, qua những tổ chức và sinh hoạt của mình, Giáo Hội có thể tìm thấy một phương cách tốt để giáo dục đức Tin cho người Kitô hữu.

Tuy nhiên, có lẽ chính qui luật quản trị đã ảnh hưởng trên Giáo Hội quá nhiều. Một cách nào đó, có lẽ Giáo hội, đặc biệt Giáo Hội Việt Nam, đã đi vào vết xe của những người Do Thái thời Chúa Giêsu, và cũng là ảo tưởng của các tông đồ khi theo Chúa Giêsu: ảo tưởng một Nước Thiên Chúa hiển hiện và thống trị trong thế giới trần gian này.

Nước Chúa trong giai đoạn hiện nay lại chính là hạt cải cần phải được vun trồng, là nắm men cần thời gian để dậy men cho cả thúng bột… Giáo Hội trở nên như muối, như ánh sáng, trước tiên, không phải do những tổ chức và sinh hoạt sầm uất, nhưng như những thực tại của Nước Chúa, những giá trị của Tin Mừng, đang gieo niềm hy vọng về một thế giới đại đồng, thế giới yêu thương, thế giới hạnh phúc trọn vẹn.

Giấc mơ về ngôi nhà thờ làng tôi:

Ngôi nhà thờ làng tôi có một phòng dành riêng để cất giữ Mình Thánh Chúa; căn phòng nhỏ bên cạnh gian chính của nhà thờ, căn phòng kín đáo, ấm cúng và gần gũi để người tín hữu có thể cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể một cách thân tình. Lòng nhà thờ được thiết kế như một sự qui tụ, bàn thờ ở trung tâm, mọi người ngồi vòng tròn xung quanh bàn thờ.

Trước giờ thánh lễ, vị linh mục mặc áo lễ ngồi sẵn nơi ghế chủ tọa cộng đoàn. Tín hữu vào nhà thờ, chào linh mục và chào hỏi nhau. Linh mục có thể giới thiệu một ai đó với cộng đoàn; ông trùm phân chia công tác trong thánh lễ; vị ca trưởng tập hát một chút cho cộng đoàn. . . Tất cả diễn ra trong bầu không khí thân ái, vui tươi, nhẹ nhàng, không cần phải trang nghiêm và nghi thức; các tín hữu có thể gặp gỡ, biết nhau và hiệp thông với nhau nhiều hơn qua vài câu chào hỏi.

Trước giờ lễ, mỗi người có thể tự nhiên nói lên ý nguyện của mình, hoặc viết ý nguyện vào một mảnh giấy nhỏ, đặt trên bàn thờ để linh mục đọc cho mọi người cùng hiệp thông. Sau bài giảng của linh mục cũng như sau khi rước lễ, cộng đoàn dành một vài phút thinh lặng, như hướng dẫn của Qui chế Thánh Lễ, để mỗi người có thể nghe Lời Chúa và đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể “đến” với hoàn cảnh thật của cộng đoàn, đến với từng cá nhân cũng như từng hoàn cảnh riêng của mỗi người tín hữu. Khi chúc bình an, mọi người có thể di chuyển, gặp gỡ, nói lời chúc tốt đẹp của mình với người bên cạnh, nhất là với những người đã tỏ bày cùng cộng đoàn vấn đề của mình trong ý nguyện của Thánh lễ. Khi rước lễ, mọi người “tự do” xúm xít quanh bàn thờ như bàn tiệc của cộng đoàn, lãnh nhận Mình Thánh Chúa từ tay linh mục; không cần xếp hàng, mà cũng chẳng phải được “phát chẩn.

Đó là giấc mơ về ngôi nhà thờ và sinh hoạt phượng tự ở làng tôi; ngôi nhà thờ và sinh hoạt phượng tự vượt qua tính nghi thức cứng đọng vốn khó đụng chạm được đến cuộc sống thật; vượt qua tinh thần quản trị đoàn lũ vốn không để cho cá nhân sống thanh thản bộc lộ bản thân của mình; vượt qua thái độ khúm núm và sợ sệt trước mặt Chúa như một ông vua uy nghi.

Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” [Ga 4,42]

Kitô hữu: “Con từng sung sướng được biết Chúa qua một trung gian: qua Thánh Kinh và các thánh; qua các đức giáo hoàng và các vị truyền giảng. Ước gì con có thể nói với tất cả họ: ‘Tôi tin không phải vì những gì quí vị đã nói : chính đích thân tôi đây đã nghe được tiếng Ngài. (trích Anthony de Mello, Như Tiếng Chim Hót, trang 163.)


[1] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Gặp Gỡ Chính Chúa, 2003, bài “Nhiệm Cục Cánh Chung”, trang 213.