"ĐẠO" SINH HOẠT - Bài 2: Thử nhận định về Giáo Hội Việt Nam - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" SINH HOẠT - Bài 2: Thử nhận định về Giáo Hội Việt Nam - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" SINH HOẠT - Bài 2: Thử nhận định về Giáo Hội Việt Nam - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" SINH HOẠT

Thử nhận định về hiện trạng Giáo Hội Việt Nam

Một đời sống đạo dựa dẫm vào nếp sinh hoạt

Nhiều người Kitô hữu và một số chức sắc ngoại quốc đã từng trầm trồ về nét sinh hoạt sầm uất của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Cho tới hiện nay, bước vào thiên niên kỷ thứ III, chúng ta vẫn tương đối an tâm khi nhìn vào các nhà thờ trong giờ lễ, khi nhìn thấy đông đảo tín hữu, nhất là giới trẻ, trong các dịp tĩnh tâm; chúng ta cũng ngạc nhiên khi thấy vẫn còn, và ra như càng ngày càng nhiều hơn, những chuỗi người xếp hàng dài chờ xưng tội…

Tuy nhiên, trong lòng những tổ chức và sinh hoạt ấy, đời sống đức Tin có tính chất cá vị hình như lại khá yếu kém. Phần lớn các nhà thờ của chúng ta thường đông người trong những giờ có tổ chức sinh hoạt phụng vụ, nhưng lại vắng hoe khi không có tổ chức nào. Ta thấy rất ít những người đến với Chúa một cách hoàn toàn tự nguyện và xuất phát từ nhu cầu đức Tin trong cuộc đời. Người ta chỉ đến với Chúa vì lề luật, vì sinh hoạt hoặc để xin vài ơn cụ thể nào đó.

Tổ chức giáo xứ của chúng ta có những ban bệ khá vững chắc, nhưng lại không thể hiện được bao nhiêu cách sống thấm nhuần Tin Mừng. Nhiều giáo xứ, nhất là những giáo xứ lâu năm không có linh mục, vẫn tổ chức các sinh hoạt đạo sầm uất: làm hang đá, rước kiệu, táng xác Chúa, cờ xí, chuông trống, áo xống, ngắm nguyệN... Thế nhưng, ngay trong chính những sinh hoạt đạo ấy, người ta lại có thể đấu đá nhau sát ván bằng những phương thức không có một chút men Tin Mừng nào, ngay cả bằng những phương thức xã hội đen.

Nhiều người sinh hoạt lâu năm trong hội đoàn, nhiều em sinh hoạt một thời gian dài trong nhóm giúp lễ, nhưng khi hết hội đoàn, rời bỏ nhóm, thì tâm hồn cũng chẳng còn một chút gì là giá trị đạo. Nhiều trường hợp các em lại còn hư hỏng thêm do “gần chùa gọi bụt bằng anh”, hoặc do việc kết bè kết nhóm khi sinh hoạt hội đoàn. Nguyên do cũng chỉ vì sinh hoạt trở thành “đạo”, thành nguyên lý; và hết sinh hoạt, thì đạo cũng hết.

Một đời sống đạo chỉ qui chiếu vào luật lệ

Cung cách sống đạo của phần lớn Kitô hữu hiện nay là cố gắng chu toàn các giới răn của Chúa. Đời sống đức Tin được qui định bằng luật lệ, được diễn giải thành những hành vi cụ thể: làm dấu, đọc kinh, xưng tội, sinh hoạt mùa Vọng, mùa Chay, kiêng thịt, ăn chay…

Có lẽ nhiều "chức sắc" trong Giáo hội vẫn đặt người tín hữu vào vị thế như những giáo dân thời Trung Cổ, nghĩa là coi họ như những Kitô hữu ít học và cần những hướng dẫn tỉ mỉ, rõ ràng để giữ luật bằng cách chu toàn những việc cụ thể. Điều ấy ngày nay lại có nghĩa là dùng phương thức của trẻ con để giáo huấn những người lớn: kiêng thịt chứ không phải là tự nguyện có một chút hy sinh; ăn chay nghĩa là "một bữa no hai bữa đói" và có thể "mất chay" nếu lỡ ăn bất cứ điều gì ngoài ba bữa chính, chứ không phải là một hành vi nói lên lòng khao khát Chúa; đi lễ Chúa Nhật thế nào cho "thành sự" chứ không phải kín múc nguồn mạch sức sống cho cuộc sống thường ngày; làm dấu trước bữa ăn thay vì một tâm tình tạ ơn….

Trong những nếp qui định ấy, có khá nhiều Kitô hữu hiện nay rõ ràng đã không sống được một tâm thức của đức Tin chân chính. Người Kitô hữu cố gắng giữ luật để khỏi phạm tội chứ ít hiểu rằng giữ luật là một sự tín trung với Chúa; người Kitô hữu đi lễ như một trách nhiệm phải chu toàn chứ không sống tinh thần hiệp thông với cộng đoàn để tạ ơn Chúa; nhiều bạn trẻ tránh tội vì sợ Chúa phạt, nên khi lỡ phạm một tội trọng [chẳng hạn bỏ lễ Chúa Nhật] thì chọn lập trường "cùi không sợ lở", “chơi luôn”... cho đến khi xưng tội lại. Nhiều người rất sốt sắng trong việc nhà đạo, nhưng không sống một chút giá trị lòng thương yêu và tôn trọng những người bé mọn, sự cảm thông, tha thứ, cái nhìn của đức Tin siêu nhiên… Do đó, chúng ta thấy nhiều người Kitô tính toán chi tiết để khỏi vi phạm luật, nhưng không hề thấy lỗi lầm của mình trong những việc không thấy ghi rõ các các giới răn, chẳng hạn làm cho những người chung quanh phải khổ…

Đánh giá giáo sĩ và tu sĩ qua sinh hoạt

Trong Giáo hội Việt Nam, những tổ chức và sinh hoạt đạo phần lớn gắn liền với một "tầng lớp", giáo sĩ và tu sĩ. Trong tâm thức người Kitô hữu Việt Nam, có thể nói, sự hiện diện của tầng lớp này chính là "linh hồn" của Giáo hội.

Tuy nhiên, giáo dân thường cần tới giáo sĩ và tu sĩ như là những người đáp ứng các sinh hoạt chứ không phải đáp ứng nhu cầu đức Tin. Những địa phương, những tổ chức và sinh hoạt được các giáo sĩ và tu sĩ đảm nhận thì sinh hoạt phát triển. Uy tín và tầm quan trọng của giáo sĩ và tu sĩ rõ ràng cũng được đánh giá dựa theo tiêu chuẩn này. Rất nhiều bạn trẻ đi tu vì thích những hoạt động của giáo sĩ hoặc tu sĩ chứ không phải vì nét đẹp của người rao giảng Tin Mừng. Giáo sĩ và tu sĩ được coi như là những người có địa vị trong tổ chức Giáo hội, “có việc làm” trong “ban bệ” tổ chức sinh hoạt của Giáo hội.

Nhiều bạn trẻ đi tu để tìm một vị thế trong tổ chức và để thể hiện mình trong những sinh hoạt của Giáo hội. Linh mục vốn được trọng dụng hơn các tu sĩ, bởi vì linh mục có vị thế quan trọng hơn trong các tổ chức và sinh hoạt; tu sĩ có khả năng hoạt động có vẻ như vẫn "hợp thời" hơn những tu sĩ sống tinh thần Tin Mừng cách âm thầm… Như thế chúng ta cũng hiểu tại sao người Việt Nam thích đi tu làm linh mục nhiều hơn, thích các dòng hoạt động nhiều hơn, và thường đánh giá một giáo sĩ hay tu sĩ theo khả năng tổ chức và sinh hoạt chứ không phải trong ý nghĩa đời sống đức Tin và giá trị Tin Mừng. Bạn trẻ có thể quý mến một tu sĩ coi cổng thật nhân ái, nhưng vẫn thích làm linh mục để xuất hiện trước cộng đoàn.

Giáo sĩ và tu sĩ khẳng định mình trong sinh hoạt

Giới giáo sĩ và tu sĩ Việt Nam đang có rất nhiều nỗ lực để canh tân sinh hoạt tôn giáo. Giáo hội Việt Nam, nói chung, vẫn còn khá nhiều ơn gọi và vẫn còn một lực lượng giáo sĩ, tu sĩ tương đối trẻ, năng động, để có thể xoay sở trong những sinh hoạt tôn giáo nhằm thu hút sự tham gia của người Kitô hữu. Quả thật, hiện nay, chính những nỗ lực sáng tạo, đổi mới hình thái sinh hoạt tôn giáo cho hấp dẫn hơn, sinh động hơn, đang là sức mạnh chính yếu để giữ gìn nếp sống đạo trong Giáo hội Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bầu không khí chung của một thứ “đạo sinh hoạt”, phần lớn giáo sĩ và tu sĩ có lẽ cũng không thoát được tâm thức chung. Khả năng khẳng định mình trong sinh hoạt Giáo hội đã trở thành “giá trị” lớn trong lòng Giáo hội Việt Nam và chính "giá trị" ấy đang tác động sâu xa trong mọi lãnh vực, cả trong ý nghĩa ơn gọi.

Do đó, tầng lớp giáo sĩ và tu sĩ nhận thấy trách nhiệm chính yếu của mình là đảm nhận những tổ chức và sinh hoạt trong Giáo hội; và ngầm hiểu rằng điều làm nên “sức sống” của Giáo hội Việt Nam cũng chính là những sinh hoạt và tổ chức sầm uất… Nhiều giáo sĩ và tu sĩ bận tâm chuẩn bị những "kỹ năng" cần thiết trong sinh hoạt của Giáo hội nhiều hơn là bận tâm sống giá trị Tin Mừng. Nhiều giáo sĩ và tu sĩ nỗ lực làm cho tổ chức phụng vụ được hấp dẫn và lôi cuốn chứ không mấy ưu tư cần làm gì để nuôi dưỡng đức Tin chân chính và thật sự loan báo Tin Mừng cứu độ.

Chính vì thế, sinh hoạt và tổ chức trong Giáo hội Công giáo được củng cố vững chắc hơn mọi tôn giáo khác, nhưng phẩm chất đời sống đích thực của người Kitô hữu thể hiện trong cuộc sống hằng ngày có lẽ cũng chẳng hơn ai.

Mặt khác, chúng ta thấy không hiếm những tu sĩ, giáo sĩ, trong vai trò, trách nhiệm của mình, đã hết mình khuyên nhủ, dạy dỗ người giáo dân những điều hay lẽ phải; nhưng khi lọt ra khỏi vị thế và trách nhiệm của mình, trong một hoàn cảnh khác hoặc sống một vị thế khác, thì lại ứng xử một cách khá "tự nhiên" như bất cứ một người nào khác, những cách ứng xử không biểu lộ một chút nào tinh thần của Tin Mừng. Cũng như với các người sinh hoạt trong hội đoàn, một tu sĩ bỏ ơn gọi, thường thường, chẳng mấy chốc cũng trở lại một con người hết sức bình thường và tầm thường như mọi người khác.

Bệnh sáo ngữ

Quĩ đạo sinh hoạt còn lôi kéo theo nhiều căn bệnh khác trong đời sống Giáo hội: bệnh hình thức và nguy hiểm hơn là “bệnh sáo ngữ”. Nhiều linh mục tu sĩ phải cố gắng trau dồi kỹ năng giảng thuyết, chủ yếu, để khẳng định mình trong sinh hoạt. Kỹ năng ấy dĩ nhiên là cần thiết; nhưng ta cũng thấy có khá nhiều điều được nói trên toà giảng chỉ là những sáo ngữ, những điều mà người nói đã học được, đã cố suy nghĩ để có cái mà nói, đã trau chuốt để thêm hấp dẫn; nhưng tự thâm tâm cũng không biết rằng người nghe có thể sống được điều ấy không, hoặc chính người nói cũng chẳng bao giờ cố gắng một chút để sống điều mình nói…

Bệnh sáo ngữ làm cho những điều được nói trở thành ngôn từ thuần túy hoặc tư tưởng thuần túy. Những điều ấy thường cũng được giáo dân đón nhận theo cung cách “sáo”, giảng vui hay giảng buồn, hấp dẫn hay nhàm chán. Không có một thái độ tự chủ để nhận định, không có thái độ chân thành để lắng nghe lời mời gọi của Tin Mừng cho chính mình, thì cũng không có nét “sáng tạo”, một sự sáng tạo bình thường, xuất phát từ sự gặp gỡ thực sự giữa lời ngỏ đặc thù của Chúa và cá nhân đặc thù của người nghe. Những lời nói như thế không có được cái hồn, biểu lộ trong một lối nhìn riêng, một vài ngôn từ riêng, một khía cạnh cảm nhận riêng. Những ngôn từ ấy không có “cá tính” nhưng là những sản phẩm đúc khuôn, sản phẩm nhái. Chính vì thế, những lời giáo huấn cũng không đến được với tâm hồn thính giả, mà chỉ loanh quanh trong một lô sáo ngữ quen thuộc và không làm chứng được một sức sống của Lời Chúa. Chính “đạo sinh hoạt” là môi trường nuôi dưỡng và củng cố thái độ sáo ngữ. Do vậy, người ta còn thấy rất nhiều những lời cám ơn, những lời chào đón, giới thiệu, những lời chia buồn, chia vui trong dịp tang ma hiếu hỷ đầy những sáo ngữ.

Mặt khác, nhiều giáo huấn của những người có trách nhiệm trong Giáo hội được suy diễn từ nếp sống của mình chứ không phải từ nền tảng đời sống Kitô hữu đích thực, biến bài giảng thành những giáo huấn luân lý và kỷ luật, dựa theo nếp sống của giới tu sĩ và linh mục. Nhiều khi lời giảng của linh mục có khuynh hướng lôi kéo người giáo dân ra khỏi cuộc sống thật, để đưa giáo dân vào thế giới của những giá trị “thiêng liêng”[1] hoặc đưa vào khuôn khổ quản trị.

Cung cách đoàn lũ

Trong đạo sinh hoạt, người ta thường phải quan tâm đến sự trật tự, nề nếp, ổn định. Do đó, nhiều mục tử biến chất trở thành những nhà quản trị, những người bận tâm tới nề nếp chung hơn là lưu tâm để đoàn chiên có thể sống dồi dào. Nếu cần, những nhà quản trị có thể thẳng tay gạt bỏ hoặc đàn áp những cá nhân không theo qui luật chung, dù đó là những hoàn cảnh éo le và đáng thương[2].

Tổ chức phụng vụ phải trật tự, cử điệu diễn tả phải thống nhất, mọi thành phần đều phải giữ đúng giờ, ngồi đúng chỗ… Nhiều chuyên gia phụng vụ chỉ quan tâm “làm sao cho đúng” chứ ít để ý “làm sao để nuôi dưỡng đức Tin”. Khi những người có trách nhiệm, linh mục, ông trùm, bà quản chỉ quan tâm đến quản trị, thì những người có hoàn cảnh riêng, tâm sự riêng, trở thành những kẻ phá đám. Điều ấy làm cho ta liên tưởng đến “lời dễ ghét” của những người theo Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem quát mắng anh mù đã làm ồn ào, mất trật tự: “Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi” [Lc 18,39]. Trong tổ chức sinh hoạt, những con chiên “không ngoan” chẳng tìm đâu được những “lời dễ thương”: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy !” [Mc 10,49]. Với cung cách quản trị như thế, người giáo dân ít được tôn trọng và cảm thông trong hoàn cảnh và tâm tư riêng. Bước nhà nhà thờ, người ta trở thành những con người hoàn toàn của tập thể và phải sống theo qui luật sinh hoạt của tập thể. Trong tổ chức Giáo hội, người giáo dân không được mời gọi để sống đức Tin trưởng thành, có những lựa chọn và thể hiện tấm lòng với Chúa, nhưng phải theo những chỉ dẫn chi li của hàng giáo phẩm và giáo sĩ. Đó là cung cách đoàn lũ!

Cũng thế, nhiều nhà Dòng tập trung nỗ lực vào đời sống kỷ luật hơn là đào tạo sự trưởng thành. Bước vào tu, người thỉnh sinh được “trao” một thời khóa biểu những sinh hoạt. Trách nhiệm chính của người tu sĩ là bảo đảm đầy đủ các sinh hoạt và chu toàn đúng đắn các công tác được trao trong sinh hoạt chung của cộng đoàn. Mỗi lần hội họp cộng đoàn, người ta nêu lên những sai phạm kỷ luật nhiều hơn là nhắc nhở nét tích cực của tinh thần tu trì. Nói chung, những người lãnh trách nhiệm cộng đoàn thường mong muốn nề nếp cộng đoàn của mình ổn định, không có gì nổi cộm, không có gì trục trặc. Thay vì đồng hành, hướng dẫn từng cá nhân, người có trách nhiệm lại thường đánh giá một tu sĩ dựa theo việc chu toàn các “giờ sinh hoạt”... Những điều này lại cũng góp phần tạo nên một cung cách đoàn lũ trong giới tu sĩ.

Còn tiếp...


[1] X. Bài “Đạo” thiêng liêng.

[2] Trong cuốn phim nổi tiếng của Liên Xô trước đây, phim “Sám Hối”, chúng ta nghe được một mẩu đối thoại giữa Abe, người con của nhà độc tài Varlam, và Tokike, con của Abe và là cháu của Varlam, như sau :

- Tonike : Chuyện về ông nội.

+ Abe : Ông con không làm điều gì xấu cả; hồi đó là thời kỳ phức tạp. Bây giờ khó mà giải thích được tất cả..

- Tonike : Thời kỳ thì có nghĩa lý gì ở đây ?

+ Abe: Có đấy con ạ. Tình hình lúc đó khác. Người ta phải giải quyết vấn đề : tồn tại hay không tồn tại. Kẻ thù bao vây chúng ta, chúng chống lại ta. Theo con thì ta phải làm gì ? xoa đầu chúng à ?

- Tonike : Thậm chí Barateli cũng là kẻ thù sao ?

+ Abe : Đúng thế, ông ta có thể là một hoạ sĩ giỏi, nhưng có nhiều điều ông ta không hiểu. Hơn nữa, ba không nói rằng chúng ta đã không có sai lầm. Cuộc sống của một hai người có nghĩa lý gì khi vấn đề liên quan đến hạnh phúc hằng triệu người khác ? Nhiệm vụ của chúng ta hồi đó thật là nặng nề. Con phải nhớ điều đó, phải biết nhìn xa thấy rộng hơn.

- Tonike: Nghĩa là các người dùng phép tính số học để giải quyết số phận con người, so sánh tỷ lệ phải không ?

+ Abe: Chẳng nên lý tưởng làm gì, ranh con ạ. Đã tới lúc con phải biết rằng, đối với một quan chức thì quyền lợi của xã hội bao giờ cũng được đặt cao hơn quan điểm cá nhân. Vâng, chính thế. Con phải hiểu điều đó.

- Tonike : Người ta sinh ra, rồi sau đó trở thành quan chức....