Tổ chức chặt chẽ và sinh hoạt rầm rộ, đó chính là nét nổi bật nhất trong khuôn mặt của Giáo Hội Công Giáo. Ở đâu có người Công giáo, ở đó có nhà thờ, có giờ kinh giờ lễ, có ban bệ tổ chức… Có lẽ cũng có những người bên ngoài thầm thán phục và muốn áp dụng phương thức này cho các tổ chức, đoàn thể hoặc tôn giáo của họ. Thật sự không ai có thể chối rằng những tổ chức và sinh hoạt như thế đã góp phần làm cho đời sống đức Tin được nuôi dưỡng và tăng trưởng. Tuy nhiên, chính nét ưu điểm ấy lại hàm chứa những nguy cơ sâu xa, nhất là khi nó trở thành một thứ “đạo”, một thứ nguyên lý chi phối toàn bộ đời sống đức Tin chân thực của Giáo hội.
Nhiều Kitô hữu, cho đến hiện nay, vẫn chỉ sống đạo theo kiểu gắn đời mình vào cỗ xe của những sinh hoạt trong giáo xứ hay đoàn thể. Họ tranh luận và bàn cãi sôi nổi với nhau về cách thức tổ chức, nhưng lại không một chút bận tâm cá nhân về chính đức Tin của mình, đức Tin thể hiện trong thái độ của cá nhân khi gặp những hoàn cảnh phức tạp, đức Tin khi chọn một giải pháp cho cuộc sống, đức Tin khi chấp nhận Thánh ý Chúa trong cuộc đời của chính mình.
Chúng ta có thể thấy rõ thứ đạo sinh hoạt này trong nhiều xứ đạo, nhất là những xứ đạo di cư và đặc biệt là trong những xứ đạo lâu năm không có linh mục. Điều mà một thời người ta cho là sự vững chắc của đức Tin, thật ra, phần lớn chỉ là sự “vững chắc” của những tổ chức sinh hoạt mà không có bao nhiêu lòng tin cá vị vào Thiên Chúa và đón nhận muối men của Tin Mừng trong chính tâm hồn, cũng như thể hiện trong thái cử hằng ngày.
Đức Tin trong thời kỳ "Kitô giới"
Ở Tây phương, thời kỳ Trung cổ nói chung được gọi là thời đại "Kitô giới" [chrétienté], nghĩa là thời đại mà ảnh hưởng Kitô giáo tràn ngập trong mọi ngõ ngách, mọi lãnh vực. Trong xã hội ấy, văn hoá và sinh hoạt Kitô giáo được tổ chức và sắp xếp để bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào người Kitô hữu cũng thấy mình nằm trong thế giới của tôn giáo. Tính chất tôn giáo hiển hiện rõ rệt và tạo nên một "cái khung"; không những là khung cảnh, nhưng còn là một khuôn khổ có khuynh hướng trở nên tiêu chuẩn duy nhất của một đời sống đạo tốt đẹp. Quan niệm chung chung trong tâm thức người Kitô hữu khi ấy là: sinh hoạt càng sầm uất thì đời sống đạo càng phong phú và sốt sắng…
Trong cái khung ấy, nhiều Kitô hữu sống đức Tin bằng cách tham dự các sinh hoạt tôn giáo; còn giữ đạo nghĩa là còn tham dự các sinh hoạt đạo; giữ đạo sốt sắng nghĩa là tham dự nhiều sinh hoạt tôn giáo. Hơn nữa, nhiều khi cái khung ấy còn thay thế cho tâm tình tôn giáo đích thực, thay thế cho niềm tin như một sự gắn bó cá vị với Chúa và thể hiện những giá trị đích thực của Tin Mừng. Trong khuôn khổ ấy, người ta cảm thấy không đọc kinh sáng tối, không làm dấu trước khi ăn, không kiêng thịt ngày thứ Sáu... là phạm tội, nhưng lại không thấy áy náy chút gì cả khi thể hiện một lối sống và thái độ trái ngược với Tin Mừng của Chúa.
Kinh nghiệm về đời sống đức Tin trong thời tục hoá
Thế nhưng, khởi từ thế kỷ XVI, trào lưu tục hoá xuất hiện và cứ lớn mạnh lên dần, lớn mạnh theo đà phát triển của các khoa học thực nghiệm, các môn học đời, các nghệ thuật đời; những trào lưu ấy dần dần xâm lấn vào mảnh đất của tôn giáo trước đây. Sau cùng, trào lưu tục hoá thể hiện qua các biến cố chính trị và trở thành những biến cố làm rung chuyển vị thế Giáo hội. Cách mạng Pháp 1789 là một biến cố mở màn cho một tiến trình giới hạn hoặc loại trừ các sinh hoạt tôn giáo. Dần dần người ta đi đến khái niệm phân biệt rõ ràng đạo và đời.
Ban đầu các vị giáo hoàng và những vị hữu trách trong Giáo hội tìm mọi cách để phục hồi vị thế thống lãnh trước đây của mình; tìm cách tái xây dựng một xã hội "Kitô giới" càng giống với "thời hoàng kim" của mình bao nhiêu càng tốt, các hình thức của lòng sùng mộ công cộng được khuyến khích phát triển: đọc kinh liên gia, tổ chức những đoàn hội theo nghề nghiệp, theo giới, thành lập những hội từ thiện… Tuy nhiên, những nỗ lực ban đầu ấy vẫn chỉ nhằm mục đích xây dựng lại "cái khung" Kitô giới trước đây.
Thế rồi, dần dần, Giáo Hội cũng nhận ra rằng không thể quay ngược dòng lịch sử; trào lưu tục hoá ngày càng lớn mạnh và hầu như không có gì ngăn cản nổi. Thế rồi, từ khoảng cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, những yếu tố tưởng chừng như đe dọa phá hủy đời sống Kitô giáo như thế lại là một cơ may để nhiều Kitô hữu tìm lại ý nghĩa, giá trị đích thực của niềm tin[1].
Khi phải đối diện với những giá trị và những cám dỗ trần thế, đức Tin của người Kitô hữu bị chất vấn và một số Kitô hữu lại khao khát tìm hiểu sâu xa hơn niềm Tin của mình. Bị quăng vào một xã hội trần tục, nhiều Kitô hữu, giờ đây, mới cảm thấy nhu cầu sống đức Tin chân chính, thuần khiết của Kitô giáo. Trước nhu cầu tự biện minh và làm chứng cho Đức Tin giữa xã hội trần tục, nhiều Kitô hữu nhận ra ý nghĩa đời sống đức Tin và trách nhiệm thể hiện niềm tin của mình bằng những gì căn bản nhất của Kitô giáo, đó là lòng bác ái, lòng Tin, Cậy, Mến trong cuộc sống hằng ngày, chứ không phải bằng cách đấu tranh để thiết lập một thế giới Kitô giáo như xưa nữa. Ý thức mới này thực sự là một luồng gió của Thánh Thần để mở ra nhiều cuộc canh tân tốt đẹp[2] : canh tân ý thức đức Tin, canh tân sinh hoạt phụng vụ và canh tân ý thức tông đồ. Đức Tin trở thành một nhu cầu thật của cuộc sống và chính nhu cầu ấy lại góp phần canh tân tổ chức phụng vụ...
Khi đời sống đạo chỉ là nếp sinh hoạt thì phụng vụ chỉ còn là một việc phải làm để giữ đạo; nỗ lực của phụng vụ chỉ là làm sao cho người tín hữu tham dự cách sinh động và sốt sắng lúc cử hành nghi thức. Ngược lại, khi đức Tin trở thành một nhu cầu thật, phụng vụ mới trở nên nguồn mạch và là nơi người giáo dân tìm đến để kín múc chất liệu cần thiết cho cuộc sống của mình. Rồi việc canh tân phụng vụ lại thúc đẩy những nỗ lực canh tân cách giải thích Kinh Thánh và nhiều lãnh vực khác.
Tìm nguyên nhân rạn nứt trong Giáo hội Việt Nam
Hình như đời sống Kitô giáo ở Việt Nam, được truyền bá từ Tây phương vào thế kỷ XVI, vẫn còn giữ nguyên bầu khí của thời Trung cổ Tây phương. Trong một thời gian dài, người Kitô hữu Việt Nam thường tụ tập lại thành xóm đạo và đời sống có phần đóng kín trong những sinh hoạt của làng xóm.... Mọi sinh hoạt, đạo và đời, thường được tổ chức một cách kỹ lưỡng và bao trùm hết đời sống. Đời sống đức Tin của mỗi người, do đó, vẫn còn được tháp nhập vào sinh hoạt đạo đức trong giáo xứ và vẫn "chạy" trong quĩ đạo của những tổ chức tôn giáo.
Thế nhưng ngày nay, đặc biệt trong thời kinh tế thị trường, người Kitô hữu không còn đóng kín sinh hoạt của mình trong các xóm, xứ đạo. Không gian sinh hoạt hằng ngày mở rộng tới các sinh hoạt đời, trong một thế giới trần tục; bầu khí "văn hoá" của người Kitô hữu không còn thuần khiết tôn giáo. Chính trong giai đoạn này, ta thấy khuôn khổ đời sống đạo của người Kitô hữu Việt Nam có nhiều dấu vết rạn nứt, đặc biệt trong những xứ đạo vốn có truyền thống sinh hoạt tôn giáo sầm uất. Một số Kitô hữu sống xa ảnh hưởng của sinh hoạt tôn giáo, cả về không gian lẫn "văn hoá", và cảm thấy ý nghĩa tôn giáo phai lạt dần. Một số đông hơn vẫn tham dự các sinh hoạt tôn giáo nhưng chỉ quan niệm giữ đạo là giữ sinh hoạt đạo như trước đây; sinh hoạt đạo là những nghĩa vụ phải chu toàn, những đòi buộc, theo thói quen lâu đời của truyền thống gia đình, của giáo xứ. Do đó, khi đời sống xã hội có nhiều sinh hoạt khác cần thiết và hấp dẫn hơn, họ bắt đầu thấy sinh hoạt tôn giáo là một điều vướng víu, nặng nề và muốn từ bỏ. Cũng có một số ít Kitô hữu dần dần khám phá ra nhu cầu đức Tin trong đời sống của mình, đức Tin như là dưỡng chất cho tâm hồn và là ánh sáng soi chiếu cho những giải pháp trong cuộc sống của mình.
Tuy nhiên, nếu đời sống đức Tin vẫn được quan niệm, chủ yếu, chỉ như là những sinh hoạt tôn giáo, chiếm một khoảng không gian và thời gian nhất định, nó sẽ đứng vào vị thế đối đầu và cạnh tranh với các sinh hoạt khác, một sự cạnh tranh "không khoan nhượng".
Phải chăng, với nền kinh tế thị trường tại Việt Nam, Giáo hội Việt Nam cũng đang phải đấu tranh với một trào lưu tục hoá? Liệu chừng sinh hoạt của Giáo Hội Việt Nam vẫn có thể tiếp tục cuộc đối đầu trong thế mạnh với các sinh hoạt và nhu cầu trần thế đang càng ngày càng gia tăng?
Trước những câu hỏi ấy, chúng ta phải tự hỏi xem "thế mạnh" của Kitô giáo nằm ở đâu? Kinh nghiệm về việc khám phá lại đời sống đức tin trong lịch sử Giáo Hội có thể hữu ích cho việc canh tân đời sống Kitô hữu tại Việt Nam hiện nay không?
Còn tiếp...
[1] X. Y. Congar, trong Encyclopédie de la Foi, Les Éditions du Cerf, Paris 1967, tome II, đề mục Laic, trang 442.
[2] X. Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo Hội Công Giáo, in lần 2, Chân lý xuất bản, Sài Gòn 1975, Phần Nhì, trang 236.