"ĐẠO" LUÂN LÝ: Bài 4: Cứu độ bằng tình thương - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" LUÂN LÝ: Bài 4: Cứu độ bằng tình thương - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" LUÂN LÝ: Bài 4: Cứu độ bằng tình thương - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" LUÂN LÝ

Bài 4: Cứu độ bằng tình thương

Chính vì thế, Thiên Chúa đã muốn cứu độ con người bằng cách ban cho con người một Tình thương lớn lao hết hết mọi tình thương, tình thương trong Đức Kitô, tình thương của Đấng dám hy sinh cho bạn hữu của mình: "Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu" [Ga 15,13]

Tình thương lớn lao ấy có năng lựa giải thoát, có khả năng cứu độ con người: "Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách" [1 Pr 2,18].

4.1 Khởi từ việc chấp nhận chính mình

Cái "vết nứt" căn bản bên trong của những con đường tu đức chính là tâm trạng không chấp nhận chính bản thân mình; và đồng thời cũng không chấp nhận tha nhân trong những giới hạn và sai sót của tha nhân.

Chính vì không chấp nhận cuộc đời mình, nên mỗi người thường phải sáng tạo nên biết bao nhiêu chiếc mặt nạ cho mình, những chiếc mặt nạ để dùng cho những hoàn cảnh khác nhau: người ta phải tỏ ra đau để trình bầy nỗi đau của mình về bệnh tật, và người ta lại càng đau thật, đau hơn với chiếc “mặt nạ đau” ấy; người ta phải tỏ ra trí thức với người trí thức và rồi cố để đừng lòi ra cái dốt của mình; người ta phải tỏ ra nghiêm túc trong công việc trước mặt người khác do vị thế “cao cả” của mình v.v... Thế là người ta phải gồng lên để che mặt nạ, để giữ mặt nạ khỏi rớt xuống để tô vẽ thêm cho mặt nạ của mình. Những chiếc mặt nạ ấy sẽ dần dần trở nên những gánh nặng nề khủng khiếp đối với tâm hồn.

Chính việc hoà giải được mình với mình, nghĩa là chấp nhận thực tại của cuộc sống, chấp nhận giới hạn và khiếm khuyết của bản thân mình, có thể thực sự mang lại sự giải thoát khỏi những gánh nặng lớn lao của cuộc đời. Khi mối bận tâm lớn của ta không còn là đeo mặt nạ, khi ta bình thản được trước những khiếm khuyết của bản thân, khi ta không bị áp lực nhiều của những lời người khác khen chê, khi ấy, ta có thể bình an và vững vàng đảm nhận chính cuộc đời mình.

Nhu cầu khẳng định chính mình là một nhu cầu căn bản và chân chính của mọi người. Tuy nhiên, bình thường người ta thường chọn cách thức khẳng định mình bằng con đường vươn lên; xác định mình bằng vị thế trong xã hội, trong cộng đoàn, trang bị cho mình thêm những kiến thức, những tài năng; và thường vui mừng khi được người khác công nhận vị thế và tài năng của mình. Con đường ấy cũng khá bình thường. Tuy nhiên, cũng rất thường, nó lại kéo theo thái độ không dám thẳng thắn nhìn vào con người thật của mình. Người ta mập mờ về khuyết điểm và thói xấu của mình; người ta đau và giận khi bị người ta khui ra khuyết điểm và thói xấu của mình; người ta lừa dối chính mình khi luôn luôn phải bảo vệ “hũ mắm” trong bản thân mình.

Mặt khác, chính thái độ dòm ngó nhau, đánh giá nhau trên bậc thang của sự thăng tiến khiến cho người ta lại càng bảo vệ và che chắn những khuyết điểm và thói xấu của mình nhiều hơn. Trong nhiều cộng đoàn tu trì, những người có trách nhiệm và anh chị em trong cộng đoàn không thể hiện đủ một sự cảm thông và đồng hành với anh chị em của mình ngay trong chính khuyết điểm và tật xấu, nhưng lại chỉ biết đánh giá nhau trong bậc thang của sự thăng tiến như thế. Điều ấy khiến cho mỗi thành viên đều sợ, sợ người khác và sợ chính bản thân mình; và điều ấy, dĩ nhiên, lại càng thúc đẩy bản năng phòng vệ của mỗi người thêm mạnh mẽ, thêm kiên cố. Cộng đoàn như thế không thể hiện được chiều hướng của nhiệm cục cứu độ:

“Ai tiếp đón một em nhỏ như em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” [Mt 18, 5]

Như thế, thay vì tu sửa để được chấp nhận và bắt người khác phải sửa đổi để được ta chấp nhận, có lẽ ta nên chọn con đường khởi đầu từ sự chấp nhận chính bản thân mình, chấp nhận lịch sử, chấp nhận tính tình, chấp nhận chính nết xấu của mình trước đã.

Không phải ngẫu nhiên mà Thalès đã nói điều khó nhất là "biết mình" [và điều dễ nhất là "cho người khác một lời khuyên"]; không phải vô lý mà Socrate chọn cho mình câu châm ngôn "hãy biết chính mình". Cái khó nhất ấy và cái cần thiết ấy, khi chưa làm được, người ta dễ vạy vò trong tâm hồn và gây nên bao nhiêu điều trục trặc trong cuộc sống.

4.2 Trở nên bé mọn để hoà giải mình với mình

Con đường tu sửa chân chính phải khởi đầu bằng việc nhận thức rõ những khuyết điểm của mình. Rồi nhờ xác tín Chúa chấp nhận mình, ngay khi mình còn là tội nhân, để có thể hoà giải mình với mình. Nói khác đi, nếu biết nhìn nhận cách chân thực bản thân của mình, mỗi người đều có thể nhận ra cái nghèo của mình. Như thế, tất cả mọi người đều được mời gọi phó dâng gánh nặng đời mình cho Chúa để tìm thấy được “tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”:

 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi em ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” [Mt 11, 25-30]

Từ đó, người ta mới có thể hoà giải với tha nhân và tìm được một mặt bằng vững chắc để, nhờ Chúa và nhờ anh em, mà vươn lên trong tình yêu, trong tu đức, trong nhân đức…. Con đường này cần được khởi đầu vững chắc bằng thái độ dám chơi đùa với chính khuyết điểm của mình. Cần chân nhận bản thân mình trong giới hạn thật của mình để thoát được thái độ né tránh hoặc "ngụy tín" [J.P. Sartre]; cần thâm cảm khuyết điểm của mình để không trút sự bực dọc lên tha nhân; và hơn hết, cần "mỉa mai" với chính bản thân mình [Kierkegaard] để không dồn hết năng lực cho những lời bào chữa, những phản ứng phòng vệ vớ vẩn. Phải chăng đó cũng chính là con đường của Thánh nữ Catarina khi Ngài chủ trướng rằng điểm khởi đầu của đời sống tâm linh là biết mình trong ánh sáng đức Tin?         

4.3 Nhờ Chúa Giêsu để hoà giải với chính mình

Bình thường, phương cách để hoà giải mình với mình chính là tìm được một tâm hồn trong sáng, bản lãnh, trưởng thành. Tuy nhiên, điều ấy không phải là dễ! Chỉ có những con người cao cả, những bậc đức độ anh hùng mới có thể thực hiện được [?].

Mặt khác, hầu hết những gánh nặng cuộc đời không phải là do những thách thức “bên ngoài”, mà là gánh nặng phải mang vác chính cuộc đời mình. Những thứ gánh nặng của cuộc đời luôn bao hàm hay dính liền với gánh nặng phải mang vác chính bản thân mình, vì phải chịu trách nhiệm, vì cô đơn trong trách nhiệm, hoặc vì phản kháng lại cuộc đời… Con người ta thường trốn tránh nỗi "xao xuyến" về bản thân mình, để qui tất cả những khó khăn trong đời mình thành những nỗi “sợ hãi" về những trục trặc bên ngoài mình; và người ta phải đổ tội cho đủ thứ yếu tố xung quanh. Chính cái gánh nặng của bản thân như thế lại là yếu tố làm gia tăng gấp nhiều lần những gánh nặng bên ngoài của cuộc đời.

Nhưng nếu người ta không thể dễ dàng chấp nhận được cuộc đời mình, thì người tín hữu lại được kêu gọi để cho Thiên Chúa chấp nhận chính mình. Khi Chúa Giêsu kêu gọi những người bé mọn, “những người vất vả mang gánh nặng nề hãy đến cùng tôi”, Chúa Giêsu kêu mời mọi người sống huyền nhiệm “người nghèo của Giavê”. Đó không phải là một sự hoà giải với chính mình bằng thái độ anh hùng và sáng suốt của bản thân, nhưng là sự hoà giải nhờ nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho mình, nhận ra thánh ý nhiệm mầu “Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”, để cũng tìm thấy được niềm hân hoan lạ lùng như Đức Giêsu “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha”. Đây là con đường hoà giải với chính mình nhờ tương quan yêu thương, nhờ được chấp nhận.

4.4 Những mảnh đời tuyệt điệu

Có khi, đúng hơn là thường khi, một con người, chẳng mấy tốt lành hơn ai, những lại luôn buồn bực vì những thái độ của người khác. Trong khi chính mình bị phê bình, người ta vẫn không ngừng phê bình người khác; trong khi, thật ra, mình cũng chẳng hay ho gì hơn ai, người ta lại cứ luôn luôn có thể chê bai hay ít là khó chịu về những điều không hay của người khác. Ngẫm nghĩ ra ta thấy cuộc đời thật cũng lạ! Mỗi người chúng ta đều có lúc thật "hồn nhiên" kêu ca người khác [người dưới với người trên]; chửi rủa người khác [những người ngang hàng với nhau], quở mắng người khác [người trên với người dưới]; có biết bao người vẫn luôn cằn nhằn, trách móc, than phiền, bực tức... về người khác, mà lại là bực tức về những chuyện mà chính mình đang vướng mắc và cũng đang làm bao người khác phải khổ tâm.

Hình như bài học "khó nhất" của cuộc đời là bài học chấp nhận người khác như là họ, một sự chấp nhận "vô điều kiện". Hình như thái độ của con người với nhau, bình thường, là thái độ đòi hỏi người khác. Mỗi người chúng ta vẫn thường làm một cuộc thi tuyển để "tuyển chọn" ra "người thân cận" của mình[1]. Cuộc thi tuyển ấy quả thật gắt gao hơn bất cứ một cuộc thi tuyển nào khác. Không dễ ai có thể vượt qua; càng không dễ có ai có thể giữ vững trình độ, giữ vững phong độ để ở lại mãi trong "trường học người thân cận" của tôi. Và có thể lắm, chính sự tuyển lựa gắt gao và cao cấp của "trường đại học người thân cận" này là nguyên nhân chính khiến cho người ta luôn thiếu "nhân sự", khiến cho đời người luôn cô đơn, khiến cho cuộc sống luôn khó chịu, khiến cho tâm hồn con người bị dằn vặt vì những nỗi khổ từ đủ phía, do mọi người. Làm sao ta có thể vừa lòng với người khác, khi mà "bệnh tật" là chuyện của con người; "cù lần" là thực chất của mọi người; mỗi người đều có cái lẩm cẩm của mình.

Nói thế, không có nghĩa là cuộc đời này không có "người thân cận" đích thực. Chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những mối tình vượt qua "sự đòi hỏi" của lẽ thường tình để biết chấp nhận nhau, nhất là chúng ta nhận ra có một mảnh đời thật là tuyệt diệu về vấn đề này: nơi gia đình, người ta có thể học được bài học mà không dễ ở nơi đâu có được, bài học chấp nhận nhau vô điều kiện. Trong gia đình, người ta được kêu mời chấp nhận nhau vì chính con người của nhau; chấp nhận nhau vì là chồng là vợ của mình, vì là anh em một nhà. Nhất là trong trường hợp cha mẹ với con cái: cha mẹ chấp nhận đứa con của mình bất cứ giá nào. Cha mẹ muốn con giỏi, muốn con ngoan, muốn con khỏe mạnh... Nhưng nếu con yếu đau, dốt nát và khó dạy, thì chúng vẫn là con, và cha mẹ vẫn thương con của mình như một con người không thể thay thế.

Tình yêu thương vô điều kiện không phải là lòng thương hại; vì thương hại là tình thương chỉ dành cho những người đau khổ, những người nghèo hèn. Người ta thường không dễ chia vui với người khác, nhưng lại dễ chia buồn với người khác, đó là lòng thương hại. Tình yêu vô điều kiện là yêu thương người khác như là họ; họ tốt, họ gặp may lành thì ta mừng; nhưng nếu họ có cù lần, họ bê bối thì ta cũng vẫn chấp nhận họ như là người thân của mình. Nhiều người cha, người mẹ quở mắng con cái và kêu lên rằng : mong cho chúng mày đi đâu khuất mắt... nhưng khi con bị tai nạn, ngã bệnh, hoặc bị giam trong tù, thì chính cha mẹ, bình thường, là những người đau đớn hơn ai hết, tìm đến chăm sóc, xách giỏ thăm nuôi. Đây là tình yêu vô điều kiện.

Cái mảnh đời tuyệt diệu ấy khiến cho đời người bôn ba trăm nẻo vẫn còn có chốn để trở về, có nơi để tâm hồn được nương tựa; khiến cho tình mẫu tử trở nên tình cảm sâu sắc nhất của con người; khiến cho ca dao về mẹ luôn là những áng văn chương phong phú và tuyệt diệu nhất...

Chính kinh nghiệm được chấp nhận trong đời sống gia đình giúp con người có thể sống thật với mình, bớt thái độ phòng thủ, bớt mặc cảm, bớt “đeo mặt nạ”.... Chính kinh nghiệm được chấp nhận “vô điều kiện” như thế giúp con người thoát khỏi nỗi sợ sâu xa, nỗi sợ về bản thân mình, nỗi sợ về những mối tương quan xung quanh mình. Những nỗi sợ như thế mang dáng dấp nỗi sợ của ông Adong và bà Evà trong vườn địa đàng, và nó là căn nguyên của biết bao trục trặc trong đời sống con người.

Hình như "bí quyết" để có thể chấp nhận người khác vô điều kiện, đó là coi người khác như là "của mình"! Cha mẹ không phải là những người luôn có thể chấp nhận người hàng xóm vô điều kiện, vì người ấy chưa phải là "của mình". Nhưng dù sao, trong gia đình, đó cũng là “những mảnh đời tuyệt diệu”.

4.5 Thiên Chúa chấp nhận ta "vô điều kiện"

Nhưng mảnh đời tuyệt diệu ấy, theo thánh Phaolô, lại mới chỉ là phản ảnh, là hoa trái của tình yêu của Thiên Chúa: “Vì lý do đó, tôi quì gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” [Ep 3,14]; và nếu thực sự con người cần tới tình yêu thương vô điều kiện như thế; nếu thực sự tình yêu như thế là điều quí trọng nhất trong tâm khảm con người, trong cuộc đời con người, thì chúng ta cũng có thể nghĩ rằng Thiên Chúa yêu thương và chấp nhận ta cách cao thượng, quảng đại, "vô điều kiện" hơn rất nhiều.

Chương trình giải phóng và cứu độ của Thiên Chúa, trước hết, lại chính là sự chấp nhận vô điều kiện của Thiên Chúa đối với con người, để nhờ sự chấp nhận của Thiên Chúa mà con người có thể hoà giải mình với mình; và nhờ đó mà hoà giải được với anh chị em của mình. Con đường đó chỉ có thể là con đường của tình yêu thương "vô điều kiện", qua đó Thiên Chúa chấp nhận ta, ngay trong tình trạng tội lỗi của ta.

“Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì, vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám hết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ, chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hòa giải với Người, phương chi bây giờ, chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy. Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa” [Rm 5, 6-11; xc. Rm 8,31-39; 1Ga 4, 9-10; hoặc Ga 15, 1-15].

Thiên Chúa yêu thương và chấp nhận ta vô điều kiện, đó là chân lý có thể mang lại sức mạnh giải thoát cho con người. Tình yêu thương như thế không có nghĩa là mù quáng, không phải là nguyên nhân của thói ỷ lại, nhưng là tình yêu thương có thể thực sự giúp con người vươn lên.

Trước hết, tình yêu thương đó làm cho con người tìm thấy bình an. Khi tôi được quí mến và được khen ngợi vì tài năng hay đức tính của mình, tôi biết rằng thế nào cũng có lúc tôi bị chê bai; vì tôi không thể nào giữ mãi được "phong độ" của mình, như một cầu thủ, như một đội bóng không thể nào mãi mãi ở đỉnh cao của tài năng. Nhưng nếu tôi được chấp nhận ngay khi tôi cù lần, ngay khi tôi ở trong vũng lầy, tôi biết rằng tôi được chấp nhận "vô điều kiện". Khi đó, không phải đức tính của tôi được chấp nhận, nhưng là chính con người của tôi.

Sự chấp nhận của Thiên Chúa như thế còn mang lại sự giải thoát cho con người khỏi nỗi cô đơn, thứ cô đơn đã tạo nên biết bao hậu quả tai hại trong cuộc sống con người, thứ cô đơn làm cho con người đeo mặt nạ, luôn phải gồng mình "tỏ ra" mình thế này thế kia; luôn phải cố gắng "chọn một lập trường" khác với người khác, thứ cô đơn làm cho con người phải lo lắng để có thể được người khác chấp nhận.

Hơn nữa, sự chấp nhận của Thiên Chúa có thể giúp người ta vượt qua được một thứ cô đơn mang tầm mức "siêu hình", vốn là "gia sản" của thân phận của con người bị cắt đứt khỏi tình yêu, bị thống trị trong tình trạng tội lỗi. Đây không phải chỉ là một sự cô đơn tâm lý, do thiếu sự hiện diện của người khác, nhưng là thứ "cô đơn" vì phải một mình chịu trách nhiệm về vận mạng đời mình.

Con người phải làm chủ chính mình và phải đảm nhận cuộc đời mình, phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, phải bước đi bằng đôi chân của mình... Không ai có thể sống dùm chịu trách nhiệm dùm cho "cái tôi" này cả. Điều đó là thật ! quá thật ! hết sức đúng với thân phận con người ! Nhưng đó cũng là giới hạn căn bản của con người, giới hạn "siêu hình" của con người, giới hạn làm nên nguồn gốc mọi trục trặc trong đời sống của con người. Bởi vì con người, tự bản chất, là tình yêu, là tương quan; và con người luôn "nghe" trong căn cốt của mình lời kêu gọi thống thiết: sống tương quan với người khác, trở nên một với chính Thiên Chúa, là hình ảnh Thiên Chúa Ba ngôi đã được ghi khắc trong tâm hồn của mình.

Trong tình trạng đó, nếu con người có cố gắng hết sức, thì cũng chỉ có thể thể hiện được hình ảnh một người anh hùng cô đơn theo kiểu "chủ nghĩa anh hùng"; đó là thái độ can đảm chấp nhận căn bản chính "thân phận dở dang" của kiếp người. Điều đó, phải chăng, là nét cao cả nhất của "chủ nghĩa nhân bản"? Nhưng, nét cao cả đó, đồng thời, cũng là nét bi tráng nhất của thân phận con người.

Những lời của Thánh Phaolô cho thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa đâu phải chỉ là sự trợ giúp bên ngoài, đâu phải chỉ là xuê xoa tình trạng khốn khổ của con người, những còn là một sự liên đới trách nhiệm ngay trong ngôi vị của con người; đó là hồng ân mà chúng ta đã được lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy.

Khi Thiên Chúa chấp nhận con người cách “vô điều kiện”, không có nghĩa là Ngài bằng lòng với tình trạng tội lỗi của con người. Ngược lại, chính kinh nghiệm được chấp nhận lại là một sức mạnh căn bản để con người sống theo đường lối và giới răn của Chúa, và chắc chắn cũng là nền tảng "nhân học" để thực hiện vận mệnh đời người. Tôi biết chắc rằng, nếu tôi có trở thành một tên tội phạm đang ghét nhất thế gian, bị mọi người loại bỏ, thì tôi vẫn được mẹ tôi chấp nhận và yêu thương. Nhưng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ rằng mình cứ việc bê bối, bậy bạ vì mình đã được mẹ chấp nhận vô điều kiện như thế. Thói ỉ lại xuất hiện do một thứ "tự do" phóng túng, coi thường và lạm dụng tình yêu của tha nhân, chứ không thể nào là hoa trái của tình yêu.

Kết

Có lẽ chính vì phải "chọn lựa" những con người cù lần cho nên Chúa phải thức suốt đêm; nếu chỉ cần chọn lựa những người ngon lành, thì có lẽ Chúa chỉ cần một giờ là đủ. Nhưng trong mầu nhiệm tuyển chọn này, Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm khi thi hành việc tuyển chọn này, vì tuyển chọn tức là chấp nhận, là chấp nhận vô điều kiện, tức là yêu thương cả những gì cù lần nơi các ông ấy; và đó mới là mầu nhiệm tuyển chọn trong tình yêu thương đích thực.

Những vấp ngã, tội lỗi, đam mê... không thể làm cho người ta bị Thiên Chúa ghét, nhưng lại càng trở nên đối tượng được Thiên Chúa quan tâm hơn. Người chăn chiên dám bỏ chín mươi chín con khác để đi tìm con chiên lạc cơ mà. Chỉ có những đứa con “hoang dàng” không muốn trở về nhà là không đón nhận được ân huệ, sự chữa trị, là trốn chạy việc tìm kiếm của Thiên Chúa.

Như thế, xác tín mầu nhiệm tuyển lựa của Thiên Chúa, chúng ta cũng nhận được sức mạnh để biết chấp nhận tha nhân nhiều hơn. Sống mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa trong cuộc đời nghĩa là cảm thông cuộc đời, cả trong tính cách cù lần cù lèo của nó; cảm thương cho cuộc đời con người, cũng như cảm thương cho chính cuộc đời mình.

Nhận ra sự bất lực của con người không có nghĩa là rơi vào tuyệt vọng. Việc nhận ra sự bất lực ấy, đối với người Kitô hữu, là cánh cửa mở ra với ơn cứu độ Thiên Chúa, là bước đường để đón nhận với hết lòng trân trọng sự chấp nhận vô điều kiện của Thiên Chúa một cách sung mãn. Có thể nói được rằng, nét đặc trưng của kinh nghiệm cứu độ Kitô giáo là: "Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh" [2 Cr 12,10b].

Chúng ta có thể thấy trong kinh nghiệm của Têrêsa Hài Đồng Giêsu, qua sự trình bầy của cha Bernard Bro, một lời chứng hùng hồn về “huyền nhiệm” chấp nhận mình nhờ được Thiên Chúa chấp nhận:

Sự say mê khao khát Đấng-Là-Tất-Cả, giữ mình không vương tội nhơ, hy sinh tuổi thanh xuân trong dòng tu chiêm niệm, trải qua một cuộc đời khắc khổ để rồi chìm vào đêm tối của hư vô ! Thử hỏi ai có thể kham nổi một lộ trình như thế?

Đối với Têrêsa, giờ của sự thật đã điểm để chị đảo ngược tất cả:

“Chúa chỉ cho tôi được nhìn thấy chân lý“ [C.J., 4.8.3]. “Than ôi, tôi vẫn đứng nguyên tại chỗ như trước kia, không tiến lên được chút nào. Tuy nhiên, tự nhủ như vậy mà lòng tôi vẫn hòa dịu, không phiền muộn. Nhận thấy mình yếu đuối hèn mọn là điều êm ái biết bao” [C.J., 5.7.1].

Tê-rê-xa đã khám phá ra khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa trong con người Đức Giêsu Kitô, Người đến với ta trong dáng vẻ yếu đuối, và như một kẻ hành khất, chờ mong được chúng ta tin cậy. Chị biết đã đến lúc phải cậy trông một cách toàn diện. Không phải để làm điều gì tốt, mà là để chấp nhận mình bị vượt qua mãi mãi bởi tình yêu vô biên đang ở trước mặt chị.

Đối với chị cũng như đối với người trộm lành, đối với thánh Phêrô, người phụ nữ Sa-ma-ri, cũng như đối với lớp người nghèo hèn và những kẻ tội lỗi, bước tiến vạn nan đã trở thành bước tiến dễ dàng [le pas de l' impossible est possible]. Chính niềm tin đã kéo những cái tưởng là quá xa vời vào trong tầm tay của chúng ta.

Thái độ chấp nhận đau khổ mà lòng không chua xót, chấp nhận bị đè bẹp bởi mệt mỏi, bất tài, bất lực, và có lẽ bởi tội lỗi nữa, thái độ ấy là con đường dẫn đến tinh thần khó nghèo được Thiên Chúa ban cho mọi sự.

Trong một lúc Tê-rê-xa phá vỡ khá nhiều uy hiếp từ bao thế kỷ đã bóp nghẹt Kitô giáo trên đường phát triển, chúng từng đè nặng trên chúng ta từ thời Giáo Hội nguyên thủy.

Nhiều thế hệ đã ngộ nhân rằng: hễ là tín đồ Đức Kitô thì bắt buộc phải oai hùng, phải thiện hảo, phải luyện cho mình lòng sắt đá giống bậc thần linh, noi gương trường phái khắc kỷ Hy Lạp hay Rô-ma... phải thiện hảo mới đến gần được Thiên Chúa. Mẫu người đó tất nhiên là cao quý, nhưng không đúng với tôn chỉ Tin Mừng.

Tê-rê-xa lớn tiếng cải chính ngộ nhận đó. Con đường nhỏ hẹp của thánh nữ mở ra, đón mời tất cả mọi người, từ người khao khát hy vọng cho đến kẻ tuyệt vọng. Thử thách của số mệnh có thể trở nên con đường băng qua đêm dài đen tối tiến ra ánh sáng, con đường của niềm tin, con đường tìm thấy Thiên Chúa.

Những đặc ân xưa kia xem như dành riêng cho tầng lớp được ưu đãi, cho những nhà thần bí được người đời trọng vọng, nay chị Têrêsa cho chúng ta thấy những diễm phúc đó được Thiên Chúa đề nghị ban phát cho khắp cả mọi người. Chính thế, lo âu, sợ hãi, cám dỗ, mệt mỏi của anh chị em, tất cả gánh nặng đó có thể trở nên con đường của Thiên Chúa.

Ở đây, Têrêsa gặp những kẻ nghèo khó nhất, tay trắng nhất, sa đọa nhất trong chúng ta, những kẻ mất hết điểm tựa. Đồng thời chị cũng gặp những người làm cách mạng lớn nhất, nhưng kẻ nổi loạn lớn nhất, những người chỉ muốn trông cậy vào sức riêng họ mà thôi.

Bernard Bro O.P. Niềm Cậy Trông Bất Khuất;

bản dịch của An-tôn Lê Văn Lộc, trang 170-172.


[1] Xc. Lc 10,29b : "Nhưng ai là người thân cận của tôi ?".