"ĐẠO" LUÂN LÝ - Bài 3: Ơn Cứu độ nhìn từ Cơ Cấu Nhân Học Kitô giáo - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" LUÂN LÝ - Bài 3: Ơn Cứu độ nhìn từ Cơ Cấu Nhân Học Kitô giáo - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" LUÂN LÝ - Bài 3: Ơn Cứu độ nhìn từ Cơ Cấu Nhân Học Kitô giáo - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" LUÂN LÝ

 Bài 3: Ơn Cứu độ nhìn từ Cơ Cấu Nhân Học Kitô giáo

3.1 Mạc khải về con người

Mười một đoạn đầu sách Sáng Thế có thể hiểu được là chính khoa "siêu hình học" của Thánh Kinh, trong đó, những vấn đề cơ bản của con người mọi nơi mọi thời được diễn tả bằng những câu chuyện thật ý nghĩa. Ta có thể tìm thấy một vài ý nghĩa cơ bản như sau:

Con người được sáng tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Do ảnh hưởng của triết học Hy Lạp, có giáo phụ đã giải thích con người giống hình ảnh Thiên Chúa ở chỗ con người có lý trí khôn ngoan. Quả thật, nhờ lý trí con người có khả năng tham dự vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa [Adong đặt tên cho muôn vật, St 2,19b]. Tuy nhiên, điều đó không phải là điều chính; bởi vì, trước hết, việc đề cao lý trí khôn ngoan không hợp với não trạng của người sémitique vốn đề cao tương quan hơn. Ta còn thấy trong truyền thống Do Thái có một sự úy kỵ sâu xa với kiểu khôn ngoan của các nền văn minh xung quanh [con rắn là loài xảo quyệt, cây cho biết điều thiện điều ác, Cain là kẻ định cư khôn ngoan… xc. 1Cr 117-31]. Mặt khác, ta thấy khi ông Adong đã phát huy hết khả năng lý trí của mình để thống trị muôn loài, thì ông thấy cô đơn vì "không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng" [St 2, 20b]. Chỉ khi gặp Evà, Adong mới phát lên tiếng reo vui biểu hiện sự thành đạt của phận người: "Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi" [St 2,23]. Như thế, ta có thể hiểu rằng, lý trí khôn ngoan chỉ là một điều kiện cần thiết để con người được tự do đi vào tình yêu thương.

Ma quỉ là kẻ chống lại Thiên Chúa, thì cũng chống lại tình thương. Chính ma quỉ đã gieo vào thế gian một yếu tố hủy hoại, yếu tố chống lại Chúa yêu thương. Ta tạm gọi yếu tố ấy là sự ích kỷ. Một cách tổng quát và căn bản, ta có thể nói được rằng: tất cả mọi tội lỗi đều là ích kỷ; và tất cả mọi nhân đức đều là yêu thương. "Yêu thương là chu toàn lề luật vậy" [Rm 13,10b]], "Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng" [1 Ga 2,10]; "tất cả luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy" [Mt 22,40]….

Tựu trung, con người được sáng tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là con người thiết yếu được mời gọi sống với Thiên Chúa; nghĩa là con người có vận mạng "siêu nhiên" và chỉ có thể hoàn thành cuộc đời mình khi trở về với Thiên Chúa, khi thực hiện bản chất yêu thương đã được Thiên Chúa ghi khắc trong hữu thể của mình. Trong hiện trạng cuộc sống, tất cả vấn đề của con người có thể gồm tóm trong một cuộc đấu tranh giữa tình yêu và ích kỷ[1]. Như thế, ta cũng hiểu ra rằng sức mạnh, nguyên lý để con người sống cuộc sống này, sống bản chất và hoàn thành vận mạng của mình, không là gì khác hơn tình yêu thương.

3.2 Con người nên đẹp nhờ tấm lòng

Nếu người ta không thể từ chối được cái gì đã hoàn thành, thì người ta lại có thể "hoá giải" tính chất tệ hại của thực tại ấy bằng cách thêm vào đó những yếu tố mới. Thật ra, hoàn cảnh nào, tâm tính nào cũng có thể trở nên đẹp, khi ta biết đưa vào đó một tình yêu hoặc "một chút tấm lòng".

"Tấm lòng", đó là khả năng đón nhận người khác; hội nhập những vấn đề của người khác trong sự an hoà, bao dung, quảng đại, từ bi… Người có tấm lòng là người có khả năng "chạnh lòng thương" trước vấn đề của người khác. Hơn nữa, người có tấm lòng là người có thể "ở trong" tha nhân[2]. Người có tấm lòng là người có thể cảm nhận một vấn đề trong bối cảnh của cuộc sống, trong lịch sử của một con người, trong niềm liên đới và cảm thương đối với con người.

Với tấm lòng, những tâm tính đã ăn sâu vào con người được định hướng, được thu gom trong tình yêu để hướng tới sự cảm thông, chia sẻ lẫn nhau. Với tấm lòng, con người vẫn luôn là mình trong chính lịch sử của mình. Với tấm lòng người ta có khả năng chấp nhận bản thân, chấp nhận cuộc đời, chấp nhận tha nhân. Tấm lòng có thể làm cho những điều giới hạn, sai sót, những tâm tính không sửa được lại có một nét độc đáo và dễ thương riêng. Nó làm cho con người tôi là tôi, và con người của tôi được hoàn trọn trong tình yêu. Với tấm lòng, người ta có còn thể chấp nhận tha nhân dễ dàng hơn; chấp nhận được cả khuyết điểm của tha nhân, chấp nhận và hướng tới một tình yêu thương vô điều kiện. Thái độ đó biểu lộ một cái nhìn minh triết: không chỉ nhìn cuộc đời là những mảnh vụn mà ta nỗ lực uốn nắn hoặc phê phán, nhưng cảm được sự "liên lụy""hiệp thông" sâu xa.

Ở đây, điều quan trọng nhất không còn là nỗ lực sửa chữa theo kiểu uốn nắn, cắt tỉa, rèn luyện… nhưng là đón nhận, là chân nhận tất cả và qui hướng chung vào nguồn mạch chung, "nhuộm" chúng trong một mầu sắc chung của tình yêu thương. Hãy bỏ vào “nồi cháo” đời mình một chút “lòng”, nồi cháo ấy sẽ trở nên “ngọt”.


[1] Xc. Rm 7,21-23; 8,13;5,17 tt

[2] Ngôn ngữ triết học gọi là tham-thông. Comprendre [hiểu] nghĩa là com-prendre [cùng-nắm-bắt]; hoặc connaitre [biết] có nghĩa là co-naitre [cùng-sinh-ra trong một vấn đề với tha nhân].