"ĐẠO" LUÂN LÝ - Bài 2: Những nẻo đường luân lý - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" LUÂN LÝ - Bài 2: Những nẻo đường luân lý - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" LUÂN LÝ - Bài 2: Những nẻo đường luân lý - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" LUÂN LÝ

Bài 2. Những nẻo đường luân lý

1. Tập luyện nhân đức?

Tu nghĩa là sửa. Những người tu ngày xưa, quyết tâm hình thành nên con người trọn hảo của mình bằng một nỗ lực tu sửa, thay đổi tính tình, dẹp bỏ nết xấu, luyện tập nhân đức… Đó là một nỗ lực chính yếu của đời tu nói chung, linh mục triều cũng như tu sĩ [1].

Con đường ấy thật đáng kính trọng, nhưng không phải là không có những chỗ "lủng". Người ta thấy, không phải là hiếm, những người đạo đức "có củ" nhưng lại ứng xử thiếu nhân bản; không phải là hiếm những trường hợp mà các bậc đáng kính, trong lời ăn tiếng nói, trong lập trường này khác, lại bộc lộ một cái gì sâu xa khá ích kỷ hoặc kỳ dị mà người ta khó có thể chấp nhận được. Nói chung, ta thấy con đường tu của thế hệ xưa đầy tính cách luân lý và có tính duy ý chí.

Mặt khác, cách thức tập luyện nhân đức như thế thường dựa trên một nền tảng chung là "nhân đức chịu vậy"; nghĩa là không tìm thấy giá trị nội tại, giá trị "hữu thể" của hành vi luân lý mà chỉ là nỗ lực ý chí, là thái độ ráng gồng lên để chu toàn một giới luật hay một giá trị được bao bọc bên ngoài mà thôi.

2. Con đường lý sự?

Những người tu trẻ ngày nay thì hình như không còn bận tâm bao nhiêu đến nỗ lực tu sửa về phương diện luân lý. Người tu sĩ ngày nay có những cố gắng thăng tiến bản thân bằng học hành, bằng tài năng, bằng những cố gắng chu toàn trách nhiệm của mình. Đối với vấn đề đạo đức, người tu sĩ ngày nay, nói chung, hình như để thả trôi theo nhịp sống và thường lý sự để bao che, bào chữa cho thái độ bản thân, cho tính xấu hoặc những sai sót của mình hơn là sửa chữa.

Con đường của thế hệ ngày nay tỏ ra đầy tính cách duy lý. Người ta tìm cho mình một lập trường và có thể tự cho rằng đã đủ. Người ta mạnh dạn phê bình người khác, phê phán xã hội… dựa theo lập trường, theo mớ kiến thức của mình mà ít khi nhận ra sai sót của mình. Nếu quả là tư cách người tu sĩ ngày nay có bớt phần nào những thái độ ứng xử thiếu nhân bản, kỳ dị; thì người tu sĩ ngày nay hình như lại quá dễ dàng tranh cãi để bảo vệ lập trường của mình, dễ dàng đề cao những lựa chọn thái độ riêng của mình.

Trong những lập trường đầy tính thần học hoặc triết-lý- sống nặng tính cá biệt như thế, người ta lại rất dễ bắt gặp một sự phê phán bất công với người khác; nhiều phong cách chọn lựa thái độ chẳng qua chỉ để khẳng định cái tôi của mình nhiều hơn là do một tinh thần sứ vụ hoặc xuất phát từ một giá trị nhân bản sâu xa chân chính.

Mặt khác, ta thấy tư cách thường ngày của những con người "có lập trường" như thế lại không bộc lộ được chính quan điểm, lập trường của mình gì cả… Nếu "vết rạn nứt" trong đường lối cũ là sự xung khắc giữa bản tính sâu xa và nỗ lực luân lý, thì vết rạn nứt của con đường nhân bản lại là sự tách biệt giữa lý trí và tấm lòng, giữa "lập trường" và một trạng thái tinh thần thấm nhuần giá trị nhân bản.

3. Kết quả…?

Hai con đường ấy đối lập nhau và một bên thì thái quá một bên lại bấp cập. Tình trạng ấy khiến cho những người "trẻ" chẳng phục người "già", mà người "già" lại càng không thể chấp nhận được "đám trẻ". Phản ứng lại thái độ "đạo đức cao siêu" ấy, người ta thường ngả theo đường lối thuần túy nhân bản, theo kiểu “làm người trước khi làm thánh”. Không can đảm thể hiện những nỗ lực của ý chí trong việc luyện tập nhân đức như người xưa, người ta lại tự lấy làm đủ với những suy nghĩ, những lập trường đã học được; không tin vào những bài học luân lý cổ xưa, người ta lại quá tin vào một vài tư tưởng, vài nguyên lý thời thượng của xã hội… Có lẽ chính vì thế mà cả những giá trị nhân bản đích thực cũng như những giá trị siêu nhiên chân chính đều không đủ sức mạnh chứng tá để tạo nên một tâm thức chung, giá trị chung trong Giáo Hội hiện nay.

Cả hai con đường ấy, thật ra, đều là những nỗ lực mang tính cách con người và đều tỏ ra không thành công bao nhiêu. "Tảng đá vấp phạm" thường xuyên của cả hai đường lối này là những hoàn cảnh làm "lòi ra" cái ngu-đột-xuất, cái "bậy bạ" xuất hiện lúc không ngờ, cái sai trái mà ta không thể kiểm soát được… Những điều đó cho thấy, bình thường, nỗ lực tu sửa chỉ là một lớp hành vi hoặc ý thức bao bọc và xi mạ cho con người thật, vốn còn đầy những khiếm khuyết, han rỉ ở bên trong.

Đồng thời, cái han rỉ ấy luôn gây nên những trở ngại, những xung đột trong cuộc sống cộng đồng. Phân tích một cuộc thảo luận, ta sẽ thấy có rất nhiều điều người ta gân cổ lên để cãi, lại chẳng phải là một điều gì quan trọng lắm, chẳng phải là một điều có một tầm ảnh hưởng gì trong cuộc sống thực; hoặc chỉ là điều tôi tranh cãi lúc này, trong hoàn cảnh này, trước người khác, còn ngoài ra tôi cũng chẳng thật sự quan tâm đến vấn đề ấy là bao… Người ta bận tâm bảo vệ cái tôi của mình nhiều hơn là bảo vệ chân lý hay bảo vệ lợi ích chung.

4. Giới hạn của những nẻo đường tu sửa

Khoa tâm lý ngày nay cho chúng ta biết rằng con người đã hình thành phần lớn nhân cách của mình rất sớm… thời gian còn lại dành cho con người lựa chọn, với tất cả một tâm hồn sáng suốt, thời gian ấy chẳng được bao nhiêu. Rồi những gì còn dành lại cho tự do của con người trước hoàn cảnh cũng chẳng dễ dàng gì…

Do vậy, trong quá trình sống, mỗi một con người đều mang theo mình cả một lịch sử: từ khi trong bào thai, hoàn cảnh gia đình, ảnh hưởng của môi trường, của trường lớp, của bạn bè... Những điều ấy, khi con người bắt đầu biết ý thức và có thiện chí muốn tu sửa, thì đã trở thành những vết hằn sâu trong nhân cách, trong tâm hồn của con người rồi. Con người là mình, trước tiên, trong chính lịch sử của đời mình. Lịch sử ấy là những gì đã hiện thực, đã xẩy ra, đã tác động, đã được gieo vào đời; và người ta hầu như không bao giờ có thể gạt bỏ chúng đi được nữa. Con người không thể chối bỏ lịch sử của chính mình được.

Một số tư tưởng triết học cũng cho chúng ta thấy rằng, khi người ta đã gieo một điều gì vào trong thế giới, điều đó trở thành vĩnh cửu, và con người sẽ phải chịu trách nhiệm về nó trong vĩnh cửu. Điều đó không chỉ có nghĩa là một sự xét xử, ban thưởng hay hình phạt của một Thượng Đế tối cao, nhưng còn có nghĩa như một qui luật của cuộc sống, một qui luật có sức mạnh của nó để phục hồi sự cân bằng của vũ trụ…

Anaximandre nói tới sự "bất chính đối với nhau" và đòi "bồi thường và thoả mãn lẫn nhau". Empédocle nói tới hai nguyên lý chính yếu trong vũ trụ, "hận thù" là nguyên lý ly tán và "tình yêu" là nguyên lý kết hợp; đó là những nguyên lý mang tầm mức vũ trụ; Nietzsche thì vẽ nên một hình ảnh vũ trụ diễn tiến theo qui luật "qui hồi vĩnh cửu"…

Những cái nhìn như thế có thể cho chúng ta thấy phần nào một sự thực: những điều ta đã gieo vào trong cuộc đời thì không rơi vào quên lãng; và chúng ta cũng không thể đơn giản xoá bỏ, sửa đổi chúng cách dễ dàng, bằng một thái độ luân lý cá nhân hay sám hối "nội tâm"; nhưng còn phải chấp nhận qui luật nhân quả trong diễn biến của nó. "Gieo gió gặt bão" hay "gậy ông lại đập lưng ông"…

Quả thật, đối diện với những tầng sâu trong bản chất con người, đối diện với những qui luật mang tầm mức vũ trụ như thế, những nỗ lực có tính cách duy ý chí hoặc duy lý đều tỏ ra quá nhỏ bé và hời hợt. Những dữ kiện nói trên cho thấy tầm vóc của con đường tu sửa quả thật là chưa động được đến tầng sâu của nhân cách con người cũng như chưa hoá giải được những xung đột thâm sâu trong thế giới con người.

Trong cuộc sống bình thường, chúng ta cũng có thể nghiệm thấy rằng con người không dễ gì có thể đổi sửa đổi tính tình, không dễ gì có thể gạt bỏ một cơn giận hay một sự thù hằn chỉ bằng quyết tâm của ý chí hay chỉ bằng một suy tư hay ho nào. Mặt khác, một sự nỗ lực sửa đổi như thế luôn bao hàm tâm trạng không chấp nhận chính mình. Chính điều này lại là nguồn gốc của biết bao nhiêu lệch lạc, xung đột trong cuộc sống con người.

Như thế, nếu con đường tu đức cũ chưa giải quyết được vấn đề con người, thì ta cũng đường tưởng có thể thay thế bằng con đường nhân bản hoàn toàn. Có lẽ con đường đích thực phải là: nhờ sự thánh thiện của Chúa [siêu nhiên] để có thể nên người hơn [nhân bản]; theo đường hướng của thánh Thomas: "Ân sủng không phá hủy nhưng kiện toàn tự nhiên"[2]. Lập trường đó cho thấy: để con người có thể sống nhân bản, cần tới sự trợ lực của đời sống siêu nhiên; và một đời sống siêu nhiên đích thực phải thực sự làm tăng triển đời sống nhân bản của con người. Nói cách khác vì không thể tự mình làm người được, nên ta phải làm “thánh”; nghĩa là nhờ sự thánh thiện của Chúa để làm có thể làm người.

5. Đạo luân lý

Lời loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Đức Giêsu không không phải chỉ là một bài học, một bài học luân lý thuần túy mà những người nghèo ước muốn cũng chẳng thể sờ tới được. Tin Mừng ấy không phải là sự thách đố những nỗ lực luân lý của con người. Đạo Chúa không thể nào là con đường khó khăn mà chỉ những người được thừa hưởng một nề nếp giáo dục hoàn hảo, hoặc những người có tư chất tốt mới có thể đi theo được. Nếu người nghèo, nghèo hèn vốn sinh đạo tặc, mà không thể sống đạo Tin Mừng được, thì rất có thể đó không còn là đạo của Chúa Giêsu.

Với những nỗ lực luân lý, lý tưởng nên hoàn thiện như Cha trên trời thường được quan niệm như một khuôn khổ vô ngã, thật tròn trịa, thật chuẩn mực, thật hoàn hảo; hoàn hảo đến mức trở thành một khuôn khổ “siêu hình”. Công việc chính của đời sống đạo là so chiếu cách sống mình với khuôn khổ chuẩn mực ấy để xác định đâu là tội và đâu là nhân đức.

Cách thức theo đuổi một đời sống đạo như thế trở thành như một cuộc thi tuyển, trong đó, việc công bố Tin Mừng Cứu Độ chỉ còn là “đề bài”, Tin Mừng trở thành “tài liệu học tập”, nỗ lực sống đạo giống như việc làm bài thi, với những giấy thi đã được rọc phách, để hy vọng một số điểm vượt qua mức trung bình…

Chúng ta có thể thấy lối sống đạo của đa số người tín hữu chỉ là một nỗ lực tuân giữ Mười Điều Răn, nỗ lực từ bỏ tội lỗi và lập công phúc cho cuộc sống mai sau. Lối sống đạo ấy, một cách nào đó, biến Kitô giáo thành một trong các thứ đạo dạy người ta "ăn ngay ở lành"; trong khi nét đặc trưng của Tin Mừng cứu độ là một thứ đạo, có thể tạm nói là: cùng với Chúa Giêsu để đi con đường "ăn ngay ở lành”.

Sống theo nẻo đường luân lý, con người giống như một kẻ đứng dưới nước sâu; chân không đụng đến mặt đất được mà đầu muốn vươn lên khỏi mặt nước, nên tay chân cứ phải quờ đạp. Con đường luân lý là con đường không muốn thua sút ai, nhưng không hoà giải được với chính mình và luôn trong tư thế sẵn sàng chống đỡ, phê phán, "đạp" người khác để bảo vệ cho đầu mình được vươn lên cao trước mặt người khác. Con đường luân lý ấy luôn luôn bấp bênh; người khác chỉ cần kéo nhẹ đôi chân quờ quạng, hỏng giò ấy là có thể làm sụp đổ tất cả công trình tu luyện. Con đường luân lý ấy luôn luôn phải so sánh, hoặc đấu đá với người khác để bảo vệ vị thế của mình.

 


[1] Đối với người Việt Nam, tu sĩ hay chủng sinh, linh mục triều đều là người đi tu. Cách hiểu ấy không phải không "hợp tình", vì tất cả đều đi vào con đường từ bỏ và tu sửa.

[2] St I, q.1, a. 9, ad. 2.