"ĐẠO" LUÂN LÝ - Bài 1: Các thánh trong Giáo Hội - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" LUÂN LÝ - Bài 1: Các thánh trong Giáo Hội - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" LUÂN LÝ - Bài 1: Các thánh trong Giáo Hội - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

“ĐẠO” LUÂN LÝ

Bài 1. Các thánh trong Giáo Hội

1. Nguyên lý nào?     

Cứ như thói quen trong Giáo Hội, vào ngày lễ một vị thánh nào đó, ta phải cố tìm cho ra những đức tính đặc biệt của ngài, để ca tụng và để làm gương cho người tín hữu. Quan niệm chung chung vẫn cho rằng các thánh không thể là những con người tầm thường như chúng ta, các thánh phải có điều gì hơn người, phải khác với những người chúng ta nhìn thấy, gặp gỡ hiện nay trong cuộc sống... Nhưng quả thật là khó để tìm ra một đức tính nào trổi vượt nơi hai ông Simon và Giuđa này[1]. Lịch sử không để lại vết tích nào đặc biệt; hai vị được thánh ký kể đến sau rốt, trên mỗi Giuđa phản bội mà thôi; những thứ hạng "rốt bét".

Điều đó làm cho ta bỗng sực tỉnh để nhận ra rằng : không phải chỉ có hai vị này mà hình như cả nhóm 12 tông đồ đều là những người không phải ngon lành gì; nói đúng ra, các vị cũng là những con người khá cù lần. Phêrô, tông đồ trưởng, thì bốc đồng; Giacôbê và Gioan thì nóng nẩy [con của sấm sét] và ham mê quyền lực [Mc 10, 35-45]; Gioan lại còn nhỏ mọn [không cho những người nhân Danh Chúa mà trừ quỉ Lc 9,49-50]; các ông khác thì nhát đảm và ngu dốt.... Điều đó không khỏi làm chúng ta liên tưởng tới Giáo Hội hiện nay, trong đó cũng có không ít các vị giám mục "cù lần", những linh mục, tu sĩ đầy những tính xấu...

Và cứ tiếp tục theo lý luận như trên, chắc chúng ta cũng phải tự hỏi: không biết trong khi thức suốt đêm để cầu nguyện, Chúa Giêsu có ngủ gật hay không mà lại chọn "được" 12 vị thế ấy? Thánh Thần có đi vắng không để Giáo Hội chọn lựa những thừa tác viên như vậy?

Trong tâm thức người Kitô hữu hiện nay, hễ nói đến "thánh" là người ta nghĩ ngay đến ông thánh này bà thánh kia; hễ nói đến các thánh là người ta luôn phải ca tụng nhân đức, sự anh hùng, sự giỏi dang, đạo đức... như thể chính nhờ các đức tính ấy mà các vị ấy đã làm thánh. Người Kitô hữu rất ít để ý, không biết, hoặc biết nhưng chưa thấm sâu vào tâm thức rằng : tính chất "thánh" là của Chúa, và các "vị thánh" chỉ là được thông chia sự thánh thiện của Chúa. Lời kinh Vinh Danh trong thánh lễ tuyên xưng rằng "chỉ có một mình Chúa là Đấng Thánh". Những điều đó phải chăng phản ảnh một tâm thức chung trong Giáo Hội, một tâm thức nặng về luân lý và ít cảm nhận được tính cứu độ? Đời sống đạo như thế giống như một cuộc leo núi luân lý và ai khỏe mạnh, khéo léo mới có thể lên tới những đỉnh cao. Bao giờ người Kitô hữu còn nhìn các thánh như những mẫu gương "đạo đức" chứ không phải như chứng tá cho sức mạnh của niềm Tin và ơn cứu độ, thì nguyên lý tác động trong sức sống của Giáo Hội vẫn còn là luân lý chứ không phải Đức Tin.

2. Mầu nhiệm tuyển lựa

Nhóm 12 được Chúa Giêsu tuyển chọn, không phải qua một cuộc thi cử, phỏng vấn... để xét duyệt năng lực nhưng chỉ do ý muốn của Ngài; và kết quả của cuộc tuyển chọn ấy không có vẻ thành công. Cũng thế, người ta vẫn có thể thấy Thiên Chúa tuyển chọn nhiều giám mục "cù lần", nhiều linh mục quan liêu, hống hách, nhiều tu sĩ quá lo bảo vệ nếp sống của mình... Sự thật đó thường khiến nhiều người khó chịu bực dọc; và chắc hẳn cũng có người thầm nghĩ Thiên Chúa đã chọn lầm.

Nhiều lần chúng ta có thể thấy, cứ bình thường, đáng lẽ ra Chúa phải chọn người này chứ không phải người kia... Sự tuyển chọn của Thiên Chúa thật khó hiểu. Có một mầu nhiệm nào trong những việc tuyển lựa ấy? Thiên Chúa tuyển chọn theo Thánh Ý của Ngài, chúng ta cần nhìn ra mầu nhiệm tuyển chọn của Chúa, để nhận ra mầu nhiệm cứu độ và tôn trọng mầu nhiệm tuyển chọn ấy.

 


[1] Bài suy niệm này được viết trong dịp giúp “tĩnh tâm” cho những em đang và đã vướng vào ma túy, vào ngày lễ hai thánh Simon và Giuda tông đồ, dựa theo Tin Mừng Lc 6,12-16 ["Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu gọi các môn đệ lại, chọn lấy 12 ông và gọi là tông đồ",.