"ĐẠO" HIẾU KÍNH - Bài 3: Đời sống Kitô hữu - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" HIẾU KÍNH - Bài 3: Đời sống Kitô hữu - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" HIẾU KÍNH - Bài 3: Đời sống Kitô hữu - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" HIẾU KÍNH

Bài 3. Đời sống Kitô hữu

Đức Giêsu đã sống cung cách “xuề xoà” để đến với những người tầm thường, Đức Giêsu đã muốn đem Tin Mừng cho những người bị loại trừ, và nhiệm cục cứu độ trong Đức Giêsu là con đường tự huỷ để nên Bạn và “Anh Hai” của con người. Tất cả những nét cao quí ấy có nguy cơ bị che mờ hay bị đánh mất hẳn trong một một thứ đạo hiếu kính. Hình ảnh Đức Giêsu trong Giáo Hội Công giáo Việt Nam không còn dễ gần nữa; đạo của Chúa hiện nay những người nghèo hèn không dễ gì sống được; và nhiệm cục cứu độ của đức Giêsu hiện nay không còn giúp người tín hữu tìm thấy Người Bạn và người Anh nữa. Có một thứ ánh hào quang giả tạo che khuất ánh sáng chân thật của nhiệm cục cứu độ; có nhiều lớp áo trang trọng làm cho bản thân đức Giêsu không còn bộc lộ được “nét duyên tươi” đối với con người ngày nay nữa; nét cao quí của hạt lúa dám thối đi đã bị sửa thành một bông hoa rực rỡ!

Thái độ hiếu kính như thế thể hiện cả trong mối tương quan với Thiên Chúa, mẹ Maria và các thánh cũng như trong tổ chức Giáo Hội.

1. Nguyên lý danh dự trong đời sống đức Tin

Nguyên lý danh dự không phải chỉ là chuyện của Giáo Hội Việt Nam, nhưng là vấn đề muôn thuở của nhân loại và là nguyên lý ăn rễ sâu xa trong tâm thức Giáo Hội. Theo nguyên lý này, tất cả giá trị của Thiên Chúa được giản lược vào nét cao sang, uy quyền; đối diện với Thiên Chúa, tất cả thân phận con người chỉ là hèn mọn và có nghĩa vụ tôn vinh nét cao sang uy quyền của Chúa. Rồi từ công thức danh dự ấy, người ta áp dụng vào mọi lãnh vực để lý giải ý nghĩa: các mầu nhiệm, các nguyên tắc tín lý và luân lý, các ngôn từ phụng vụ, con đường tu đức..., và đặc biệt trong vấn đề tội lỗi. Chúng ta có thể chọn một thí dụ trong vấn đề cứu độ học[1].

Nói chung, trong thiên niên kỷ thứ nhất, cái nhìn cứu độ học của các giáo phụ có chiều hướng “hạ giáng”, nghĩa là Đức Giêsu hóa thân làm người, chia sẻ kiếp người, chịu khổ lụy và chịu chết vì con người. Trong thiên niên kỷ thứ hai, với những khuynh hướng luật pháp thời đầu kinh viện, cái nhìn cứu độ học của các nhà thần học có khuynh hướng “thượng thăng”, nghĩa là Chúa Giêsu chịu chết để đền bù tội lỗi xúc phạm đến uy danh cao cả của Chúa. Lối nhìn này thể hiện rõ nét nơi quan niệm cứu chuộc của thánh An-sen-mô. Lối cắt nghĩa theo nguyên lý danh dự ấy đã biến mầu nhiệm cứu độ thành một gánh nặng đè xuống lương tâm người Kitô hữu suốt bao thế kỷ. Ngày nay, các nhà thần học đã thấy có nhiều trục trặc, cả về phương diện Thánh Kinh lẫn phương diện thần học, trong cách lý giải của thánh An-sen-mô[2] và nhận thấy cần phải trở về với chiều hướng “hạ giáng” ban đầu.

Cũng thế, ta có thể thấy nhiều mầu nhiệm cứu độ được trình bầy theo hướng danh giá, nhằm ca tụng vẻ cao sang, siêu vời hơn là biểu lộ nhiệm cục cứu độ “hạ giáng” của Thiên Chúa. Chẳng hạn trong bí tích Thánh Thể, thay vì trình bầy một Đức Giêsu "động lòng trắc ẩn", Ngài không tự bằng lòng với phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi dân trong cơn đói, Ngài còn muốn nuôi đời sống dân bằng "bánh" thân thiết và trọn vẹn hơn, có khả năng đón nhận mọi vui buồn sướng khổ của con người, đó là chính bản thân Ngài trong bí tích Thánh Thể... Thế nhưng, nhiều người lại thường quảng diễn bí tích ấy theo nguyên lý danh dự, để chỉ thấy một Thiên Chúa cao sang, một bí tích cực trọng… làm cho người Kitô hữu phải lo sợ nhiều hơn là được an ủi...

Không ai phủ nhận vị thế cao sang uy quyền của Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi quảng diễn đời sống đức Tin theo nguyên lý danh dự, chúng ta nhận thấy man mác hình ảnh một Thiên Chúa quá quan trọng hóa bản thân Ngài hơn là một Thiên Chúa yêu thương đích thực; ta thấy man mác những thứ “tội khi quân”, một thứ tội mà não trạng con người ngày nay khó có thể chấp nhận được[3].

Mặt khác, nếu chỉ với nguyên lý danh dự như thế, làm sao chúng ta có thể hiểu được tình yêu Thiên Chúa thể hiện trong một đức Kitô thường động lòng trắc ẩn, tìm mọi cách để cứu con người, tha thiết với những người tội lỗi? Nhất là làm sao chúng ta có thể cảm được nét cao quí của hạt lúa mì, thối đi để trổ sinh những bông hạt khác ?

Chính ở đây, ta hiểu rõ hơn nghĩa “vinh quang” trong tiếng Do Thái. Trong khi ý nghĩa từ "vinh quang" theo tinh thần Hy Lạp có nghĩa là được đánh giá; thì ý nghĩa vinh quang trong tinh thần Do Thái lại là sức nặng, là thực chất được thể hiện trọn vẹn[4]. Theo ý nghĩa ấy, Thiên Chúa vinh quang, trước tiên, không phải là Thiên Chúa được ca tụng, nhưng là một Thiên Chúa yêu thương con người đến cùng. Thánh Irênê đã diễn tả điều ấy cách tuyệt hảo: Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống. Chúng ta thấy rõ Chúa Giêsu thể hiện sứ mệnh của Ngài, đồng thời diễn tả vinh quang Thiên Chúa, theo ý nghĩa như thế, đặc biệt trong Tin Mừng Gioan. Vinh quang của Ngài lại không phải là gì khác hơn chính cái chết tủi nhục:

“Khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu nói: Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người" [Ga 13, 31; Xc. 12,28, 17,1].

2. Không theo kịp tiến trình nhiệm cục cứu độ

Với tấm lòng hiếu kính, người Kitô hữu thường thích đặt Chúa Giêsu lên bàn thờ hơn là tìm thấy nơi Ngài một sự liên đới, đồng hành. Món quà của Thiên Chúa Cha, là Đức Giêsu Kitô, được ban như người Anh Cả, người Bạn, món quà ấy cũng thường bị đẩy lên cao để tôn Ngài làm “Cha”. Việc xưng hô với Chúa Giêsu trong ngôn ngữ quá tế nhị của tiếng Việt quả là khó khăn. Ở đây, tôi không muốn nói đến vấn đề ngôn ngữ cho bằng là phẩm chất của mối tương quan. Việc tôn Đức Giêsu là "Cha" không phải là chuyện nhỏ, nhưng là bỏ quên điều chính yếu trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa: khi tôn đức Giêsu làm “cha”, làm sao ta có thể đón nhận “Thần Khí Nghĩa Tử” của Ngài để “cùng thừa tự” với Ngài và gọi được Chúa Cha là “Abba, Cha ơi !”? Làm sao người Kitô hữu có thể tìm gặp Đức Giêsu Kitô trong nghĩa bằng hữu, trong tình huynh đệ, để có thể sống với Ngài như một người liên đới trách nhiệm, gánh lấy tội lụy cuộc đời?

Thái độ ấy kéo theo những hệ quả mục vụ: người tín hữu dễ thấy trách nhiệm với Chúa, nhưng khó lòng thấy được tình thương của Ngài; kính phục Ngài chứ ít cảm nhận được sự gắn bó, sự hy sinh của Ngài dành cho mình, ngay trong lỗi lầm của mình… Thái độ hiếu kính khiến người ta sống đạo theo kiểu nếu ta làm được điều gì tốt thì mang trình với Chúa, còn điều gì khó khăn thì ta ráng chịu lấy một mình, xoay sở một mình.

Nguyên lý danh dự được áp dụng vào lòng hiếu kính đối với mẹ Maria và các thánh, cũng như những người "đại diện cho Chúa". Chính vì thế, người tín hữu ít sống được ý nghĩa mầu nhiệm "các thánh cùng thông công", nghĩa là nhận ra những ơn lành Chúa ban cho Đức Mẹ, các thánh, cũng chính là, và trước tiên là gia sản Chúa ban chung cho Giáo Hội, trong đó có mỗi người chúng ta. Tất cả hồng ân của Chúa đều là hồng ân ban cho Giáo Hội, qua mẹ Maria và các thánh, để mọi người Kitô được hiệp thông trong cộng đoàn các phúc nhân. Thay cho tâm tình hiệp thông trong Giáo Hội và tạ ơn Chúa như thế, người tín hữu cầu xin những ơn lành như thể những ơn ấy là của riêng các ngài; do đó phải tôn các ngài lên cao hơn và nhìn nhận bản thân mình như những người “ăn mày các ơn phúc”.

Tâm tình hiếu kính vẫn luôn có giá trị và lợi ích. Tuy nhiên, trong nhiệm cục Tân Ước, thái độ ấy "cần" mà không "đủ". Thái độ hiếu kính luôn dễ dàng đi quá để rơi vào tình trạng "kinh nhi viễn chi", và có nguy cơ bỏ mất điều căn bản hơn: không theo kịp với nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa.

3. Chiều hướng danh giá trong sinh hoạt Giáo Hội

Nguyên lý danh dự đương nhiên kéo theo và làm gia tăng chiều hướng danh giá. Rồi chiều hướng danh giá lại được phát triển mạnh trong một Giáo Hội sinh hoạt, làm nẩy sinh thêm nhiều thứ bậc, nhiều nghi thức, nhiều  nguyên tắc rườm rà không có ý nghĩa chức năng mà chỉ có ý nghĩa danh giá. . .

Hơn nữa, chiều hướng danh giá lại gặp được đất sống “mầu mỡ” trong tinh thần phong kiến của dân Việt vốn rất đề cao danh giá, “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, để trổ sinh thành những khuôn phép “truyền thống” trong đời sống đức Tin: chỗ trên chỗ dưới, danh hiệu lớn danh hiệu nhỏ, công đức nhiều công đức ít: đón tiếp đức cha phải nói “Trọng kính Đức Cha”; lãnh sứ vụ điều khiển cộng đoàn thì được gọi là “bề trên”; lãnh tác vụ linh mục thì gia đình được nở mặt nở mày; cha mẹ được gọi là “ông bà cố” để khuyến khích ơn gọi; các ông trùm ông chánh được ưu tiên; các chức vụ được “nối dài” ra thành “nguyên bề trên”, “cựu trùm”...

Tại nhiều nơi, trong một số giáo phận, đời sống đạo được phát triển theo chiều hướng lễ lạc long trọng; nhiều sáng tạo trong câu kinh tiếng hát, lễ nghi rước sách, cung giọng lên xuống, kèn trống cờ quạt... chủ yếu chỉ để thêm long trọng chứ không phải để công bố Ơn Cứu Độ và nuôi dưỡng đời sống đức Tin của người tín hữu. Ngay cả thực tại đầy ý nghĩa cứu độ như Thánh lễ, nhiều khi, cũng chỉ được diễn tả và cảm nhận theo chiều kích danh giá : thánh lễ đồng tế long trọng; sự hiện diện của các đấng bậc mang lại vinh dự cho giáo xứ, cho gia đình...

Thái độ quá tôn kính các "đấng bậc" trong Hội Thánh khiến cho mối tương quan giữa mục tử và đoàn chiên càng ngày càng xa cách; và nhất là làm cho Giáo hội phẩm trật, tức chiều kích Giáo Hội Thân Mình Chúa Kitô[5], không còn là Giáo Hội tôi tớ theo mẫu gương của thầy Giêsu:

“Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với người phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” [Lc 22,27][6].

Bất cứ một tổ chức xã hội hay cộng đoàn nào cũng phải có lễ nghi, đó là lẽ thường tình của đời sống con người và không ai có thể chối bỏ. Tuy nhiên, trong nhiệm cục Cứu độ Kitô giáo, chiều hướng danh giá, nối kết với một Giáo Hội sinh hoạt, có nhiều nguy cơ che lấp tình thương hạ giáng của Thiên Chúa trong Đức Kitô.

4. Bệnh sợ

Sinh ra làm người với một khả năng dòn mỏng, với một bản chất chưa hoàn thành, con người mang lấy muôn vàn nỗi sợ: sợ thiên nhiên, sợ người khác, sợ chính mình. Đó là tình cảch “tự nhiên” của con người. Dù có tính cách tiêu cực, nỗi sợ đôi khi cũng có nhiều lợi ích, giúp con người tránh được những liều lĩnh quá đáng và sự phóng túng vô độ. Tuy thế, nỗi sợ cũng là căn nguyên của rất nhiều cách sống lệch lạc, phá hủy phẩm chất nhân sinh: dối trá, luồn lách, phòng vệ, giả hình, so đo tính toán… nhất là khi nỗi sợ ấy lại là nỗi sợ trước Thượng Đế. Khi Thượng Đế xuất hiện như một Đấng thâu tóm mọi quyền lực khác, Ngài biến nỗi sợ của con người trở thành vô biên, nỗi sợ vượt mọi không gian và thời gian, nỗi sợ len lỏi vào từng chi tiết của cuộc sống. Nỗi sợ Thượng Đế là nỗi sợ khủng khiếp nhất!

Nhiều vị hữu trách trong Giáo Hội đã dùng “thuốc sợ”, áp dụng theo nguyên lý danh dự, để “chữa bệnh” tâm hồn và bài thuốc này dĩ nhiên cũng đạt được nhiều thành quả. Tuy nhiên, với tình hình hiện này, có lẽ thuốc sợ đã được dùng quá liều, gây nên những phản ứng phụ đáng tiếc. Bệnh sợ đưa đến thái độ giữ đạo hình thức và tính toán hơn thiệt đối với Chúa. Bệnh sợ cũng làm thui chột năng lực của con người:

“Rồi người đã lãnh một nén cũng tiến lại gần và nói: Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” [Mt 25, 24-25]

Người linh mục thường sợ người giáo dân "gần chùa gọi bụt bằng anh", hoặc sợ tình trạng "cá đối bằng đầu" mà không thấy một tình trạng còn đáng sợ hơn: giáo dân sợ linh mục. Người giáo dân không dám tiếp chuyện bình đẳng với linh mục; người tu sĩ phải “uốn lưỡi bẩy lần”, lượn qua lượn lại mấy vòng trước cửa phòng bề trên rồi mới dám thỏ thẻ thưa trình… Tình trạng ấy làm cho mối tương quan giữa mục tử và đoàn chiên không còn thông thoáng, người lãnh đạo dễ trở thành một cán bộ thời bao cấp : áp dụng cơ chế xin cho, ban phát theo ý thích của mình chứ không phải theo nhu cầu giáo dân và không chấp nhận được những trường hợp ra ngoài qui luật chung…

Đức Giêsu thâu tóm nỗi sợ về cho Thiên Chúa "Vậy anh em đừng sợ người ta... Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt của hồn lẫn xác” [Mt 10, 26.28]; nhưng không phải để gia trọng thêm nỗi sợ mà là để giải thoát môn đệ khỏi nỗi sợ, nhờ phẩm giá cao quí mà Thiên Chúa ban cho: “Vậy, anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” [Mt 10,31].

Thánh Gioan khẳng định chân lý ấy như sau:

“Trong tình yêu không có sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” [1 Ga 4,18].

5. Đánh mất sự tự do của con cái Chúa [7]

Trong đời sống Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay, sự tự do của con cái Chúa đã gần như đã biến mất. Một số nhỏ tín hữu mắc bệnh bối rối, nhìn đâu cũng thấy tội; một số đông hơn giữ luật một cách hình thức, tin cậy một cách máy móc vào các nghi thức, vào những phương cách kiếm được ơn phúc mà không để ý đến tấm lòng thành; phần lớn các tín hữu Công Giáo Việt Nam sống đạo như một khuôn khổ phải chấp nhận chứ không phải là niềm vui được là con cái Chúa và thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đoàn Giáo Hội.

Trong đời sống đạo, người tín hữu không được giành cho một khoảng tự do nào để có thể nhận định bằng suy tư của mình, để sáng tạo thái độ trung tín của mình với Chúa, để sống với Chúa bằng chính cá tính và hoàn cảnh riêng của mình: từ chuyện kiêng thịt, ăn chay cho đến câu kinh lời nguyện trong sinh hoạt phượng tự, lễ bái; từ thái độ ứng xử của niềm tin trong cuộc sống hằng ngày cho đến cung cách thể hiện trong nhà thờ. Mọi sự đều được qui định sít xao. Không lạ gì khi người tín hữu Việt Nam chỉ biết đọc kinh mà không biết cầu nguyện, không sống nổi những giây phút thinh lặng vắn vỏi[8] và phải lấp đầy bằng một sinh hoạt nào đó.

Những điều ấy làm cho người Kitô hữu sống đạo dúm dó như một kẻ nô lệ, đành phải tính toán chi li tội phúc, đành chọn thái độ nhắm mắt chu toàn lề luật để bảo đảm an toàn...

Nỗi sợ giết chết tự do; và không có tự do, con người không còn sống xứng đáng phẩm giá làm người, nhất là phẩm giá những người con cái tự do của Thiên Chúa[9]. Thật là sỉ nhục cho một đất nước tự do dân chủ khi mà những người dân phải giải quyết những vấn đề bình thường của mình bằng đủ thứ “chui”! Cũng thế, thật là sỉ nhục cho Giáo Hội Chúa Kitô khi mà người tín hữu sống sợ hãi, dúm dó trước mặt Chúa; giáo dân sợ hãi, dúm dó trước các đấng bậc; các tu sĩ sợ hãi, dúm dó trước các vị có trách nhiệm!

Trong khi đó, đỉnh cao của ơn cứu độ chính là Thiên Chúa cho con người được trở nên con cái, được đồng thừa tự với Đức Kitô. Phẩm giá ấy phải làm cho người Kitô hữu được sống hiên ngang như con cái tự do của Thiên Chúa :

“Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: ‘Áp-ba! Cha ơi! chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô...” [Rm 8, 14-17]

Kết

Ta có thể mô tả đời sống đạo sốt sắng của nhiều tín hữu như sau: một gia đình đạo đức, mời cha xứ đến ăn cơm. Trong khi cha xứ đã ngồi vào bàn thì cả nhà vẫn còn ở dưới bếp, đùn đẩy nhau để có được một người “hân hạnh” được ngồi tiếp cha. Chỉ sau khi cha ra về, thì cả nhà mới ùa lên để cụng ly, lòng hỉ hả vì đã thực hiện được một việc hiếu kính, đã thể hiện mình như một đoàn chiên ngoan. Thái độ hiếu kính như thế không phải là xấu nhưng có lẽ đã bỏ mất một điều lớn hơn: cha xứ cần nói chuyện với mọi người trong nhà, để hiểu và chia sẻ nếp sống gia đình hơn là một bữa ăn ngon.

Thiên Chúa cứu độ con người bằng cách làm triển nở bản tính tự nhiên mà Ngài đã khi khắc trong tâm khảm con người: khi còn nhỏ, em bé cần cha mẹ, cần người cầm tay dẫn dắt từng bước; lớn lên một chút, chú bé cần được chỉ dẫn, nhưng chú bé cũng phải biết tự quyết nhiều điều; rồi khi trưởng thành, người thanh niên cần phải có khả năng tự chủ và tự quyết định cuộc đời mình, anh thanh niên cần tới tình bạn và tình nghĩa vợ chồng, chứ không phải mãi mãi núp gấu áo mẹ. Do vậy, khi con cái đã lớn, người cha/mẹ lý tưởng chính là người vừa là cha/ mẹ, vừa là bạn với con cái. Tình nghĩa vợ chồng cũng thế, lý tưởng nhất là hai người vừa là vợ chồng, vừa là bạn… Thiên Chúa không muốn cứu độ con người bằng cách giữ mãi con người trong tình trạng trẻ con, nhưng cho con người được trưởng thành, Ngài muốn nâng cao tối đa phẩm giá con người.

Chính vì bỏ quên nhiệm cục cứu độ cứu độ Tân Ước như thế, người Kitô hữu sống đạo cách nặng nề, ì ạch; không mấy khi tìm thấy niềm vui vì được Chúa cứu độ mà chỉ cố gắng được an tâm vì đã chu toàn nghĩa vụ với Chúa. Thái độ hiếu kính, tự nó, không phải là điều xấu. Tuy nhiên, người Kitô hữu được mời gọi để vươn đến đời sống thân tình. Chị Mác-ta được Giáo Hội “tôn phong” lên hàng hiển thánh; chúng ta cũng trân trọng bao nhiêu khi thấy những người giáo dân bày tỏ lòng hiếu kính đối với Chúa, với những người có trách nhiệm. Nhưng chị Mác-ta còn được Chúa Giêsu thân ái mời gọi vượt qua thái độ hiếu kính để đạt đến mức độ thân tình :

 “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá ! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” [Lc 10,41-42].

Người Kitô hữu Việt Nam quả là những Mác-ta.

Thật sự chỉ có nhiệm cục cứu độ Trong đức Giêsu Kitô mới thực hiện được nét cứu độ cao quí tuyệt diệu : một phương cách cứu độ không hạ thấp phẩm giá con người; và chỉ có cách thức ấy mới có thể trả lời cho những phương thức “không cần đến tha lực”, trả lời cho những lời phê phán nhân bản về một thứ vong thân của con người trước Thượng Đế.

Minh Sư bảo một đệ tử suốt đời cầu nguyện:

Chừng nào con mới thôi nương tựa vào Thượng Đế? Chừng nào con mới vỗ cánh tung bay?

Những lời đó làm đệ tử sửng sốt nên nói:

Nhưng chính thầy đã dạy chúng con xem Thượng Đế là cha!

Chừng nào con mới hiểu được rằng người cha không phải là một kẻ để chứng ta nương tựa mà là một kẻ giúp đỡ chúng ta bỏ tật xấu đó. (Anthony de Mello, Như Tiếng Chim Hót, trang 299)


[1] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Gặp Gỡ Chính Chúa, 2003, Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ chúng ta, trang 33.

[2] X. Chẳng hạn : Gomez S.J. Kitô học [phần II], Lớp Liên dòng Mến Thánh Giá t/p Hồ Chí Minh, 2001; Noberto, Kitô Học II; Noberto, Kitô Học 16 đề tài, 1997, tài liệu hướng về Năm Thánh; Kim Thao, Thời Sự Thần Học 1, bài Thần học Cứu độ, trang 37-42.

[3] Chẳng hạn việc quảng diễn điều răn thứ nhất thành những tội chia trí, ngủ gật, …; và ngay cả, một cách nào đó, việc phân biệt cứng nhắc về bí tích kẻ sống và bí tích kẻ chết…

[4] Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, từ "vinh quang" : “Trong Thánh Kinh Do Thái, tiếng Kabôd có nghĩa là vinh quang và còn bao hàm một ý nghĩa khác là trọng lượng giá trị. Giá trị của một hữu thể trong cuộc sống xác định tầm quan trọng, uy tín và vinh quang của hữu thể ấy. Như thế, đối với tiếng Do thái, khác với tiếng Hy lạp, danh từ vinh quang không nói đến danh tiếng cho bằng nói lên giá trị đích thực, được thẩm định theo trọng lượng”.

[5] Trong Công Đồng Vatican II, Giáo Hội được nhìn theo khuôn mẫu Chúa Ba Ngôi, lối nhìn này được thần học triển khai với những ý nghĩa như sau : “Giáo Hội Chúa Cha” được thể hiện như “Dân Thiên Chúa”, trong đó mọi người được qui tụ và đều bình đẳng; “Giáo Hội Chúa Giêsu” được thể hiện như “Giáo Hội Thân Mình Chúa Kitô”, trong đó có phẩm trật Giáo Hội; và “Giáo Hội Chúa Thánh Thần”, thể hiện như “Đền Thờ Chúa Thánh Thần”, nơi đó, mọi thành phần được tác động để trở thành như những chủ thể của Đức Tin. Tuy nhiên, Giáo Hội có phẩm trật là để phục vụ chứ không phải để thống trị [Xc. GH. chương I; Kim Thao, Thời Sự Thần Học số 29, Giáo Hội Học sau Công Đồng Vaticanô II, trang 12; Bruno Forte,Giáo Hội bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi,  K’Bao dịch, trang 15-23].

[6] Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn dịch là : “Còn Ta, Ta ở giữ các ngươi như kẻ hầu bàn” .

[7] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Gặp Gỡ Chính Chúa, 2003, Sự Tự Do của Con cái Chúa, trang 235.

[8] Chẳng hạn, trong Thánh lễ, phút thinh lặng sau các bài đọc, sau bài giảng, sau rước lễ.

[9] Xc. “Đạo” Thực dụng, trang 116-119.