Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã thể hiện một cung cách khác hẳn với Cựu Ước. Đức Giêsu Kitô sống như một người bình thường giữa bà con láng giềng tại Na-gia-rét. Trong sứ vụ công khai, Ngài kêu gọi những người bình thường làm môn đệ, Ngài cảm thông với những người tội lỗi, Ngài đụng chạm tới những người ô uế, Ngài nói chuyện với phụ nữ, Ngài ăn uống với những người thu thuế, Ngài để cho người đàn bà tội lỗi đụng chạm tới, Ngài ở trọ trong nhà người thu thuế…
Toàn bộ đời sống của Đức Giêsu là một cuộc đời của một người bình thường, ở giữa những người tầm thường, và đụng chạm được những khổ đau thường tình của kiếp người.
Hơn nữa, cung cách ấy không phải chỉ là lòng thương hại, mà còn là một sự xác nhận và lòng trân trọng phẩm giá cao quí của những người bé mọn bình thường ấy:
"Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong nhưng kẻ bé mọn này; quả thật, thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời" [Mt 18, 10; Xc. Mc 9, 37; Mt 25,31-46]
Tuy nhiên, thời Chúa Giêsu, nhiều người không muốn đón nhận một Đấng Mê-si-a với tính cách bình thường, mà họ cho là tầm thường: dân chúng tại Na-gia-rét không chấp nhận một Đấng Mê-si-a có sinh hoạt bình thường ở giữa họ; Gioan Tẩy Giả sốt ruột vì chưa thấy Đức Giêsu làm những chuyện kinh thiên động địa như ông loan báo; những người Biệt phái phản đối thái độ Đức Giêsu ăn uống với người tội lỗi, để cho người đàn bà tội lỗi đụng vào người mình; các môn đệ ngạc nhiên vì Chúa Giêsu nói chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri, các ông đuổi những đứa trẻ đến với Chúa Giêsu… Phải chăng đó cũng là vì quan niệm cho rằng Thiên Chúa và những người thuộc về Thiên Chúa thì phải cao xa?
Ngược lại, một cách nào đó, chúng ta có thể nói rằng, từ cung cách sống “lê la” với những người nghèo, cũng như việc xác nhận phẩm giá của những người bé mọn, Chúa Giêsu hiểu ra con đường cứu độ của Thiên Chúa Cha. Từ giữa cuộc sống với những người bình thường ấy, Chúa Giêsu mới bật lên được tiếng reo mừng khi nhận ra rằng “tấm lòng” của Chúa Cha, người Cha muốn tìm phương cách cứu độ cho mọi đứa con của mình, đặc biệt là những đứa con bé mọn và gánh nặng :
"Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết nhưng điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha" [Xc. Lc 10,21-22].
Thời Chúa Giêsu, có một số đông những người Do thái bị loại bỏ, bị gạt ra ngoài lề xã hội dân sự và tôn giáo, một thứ tôn giáo theo tiêu chuẩn của người Biệt phái [giữ lề luật tỉ mỉ] hoặc theo tiêu chuẩn của người Sa-du-cê-ô [nghèo hèn là do tội lỗi]. Họ lầm than trong cuộc sống trần thế, đồng thời lại thất vọng về ơn cứu độ của Thiên Chúa. Họ cảm thấy bị trói buộc trong một hoàn cảnh bi đát, một vòng luẩn quẩn mà không thể nào thoát ra được.
Chúa Giêsu chọn lựa đường lối cứu độ có khả năng mời gọi những người ở cùng đáy xã hội, những người không có thể hoàn thành vận mạng cuộc đời bằng khả năng của mình. Ta có thể thấy rõ ràng Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu không phải là con đường dành riêng cho những người ưu tuyển, nhưng là con đường ưu ái dành cho những người nghèo. Ngài xác nhận sứ mệnh đó từ Thần Khí Thiên Chúa:
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Người sai tôi đi công bố
Cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
Cho người mù biết họ được sáng mắt,
Trả lại tự do cho người bị áp bức,
Công bố một năm hồng ân của Chúa” [Lc 4,18-19]
Và Ngài đã khẳng định chọn lựa của Ngài một cách hết sức rõ ràng:
"... người khoẻ mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi" [Mt 9,12-13; Xc. Lc 4, 18].
Với sứ mệnh và chọn lựa ấy, đức Giêsu trở nên mục tử đi tìm con chiên lạc và tìm đựơc rồi thì vác lên vai [xc. Lc 15,4-7]; Ngài tìm tòi người tội lỗi như người bà đau lòng vì bị mất đồng bạc [xc. Lc 15,8-10]; Ngài như người cha ngóng chờ đứa con trở về [xc. Lc 15,11-32]…
Trong khi những người biệt phái là những người luôn bảo vệ vinh quang Thiên Chúa, thì chính Chúa Giêsu lại luôn đứng về phe con người, những người nghèo hèn, bé mọn. Nỗi bận tâm của Ngài không phải là “bảo vệ” Thiên Chúa nhưng là làm sao để những người bé mọn được sống dồi dào. Do đó, sau bao cuộc tranh luận, để trả lời cho thắc mắc ám ảnh mãi của người Do Thái : “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ?” [Ga 10,24], luận cứ cuối cùng của Đức Giêsu cũng chỉ là:
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi : tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời…” [Ga 10, 27-28].
Ta có thể thấy rõ Tin Mừng của Đức Giêsu là Tin Mừng về một Thiên Chúa từ bi thương xót chứ không phải là một Thiên Chúa oai phong.
Nếu Thiên Chúa chỉ muốn ban cho ta những ơn huệ thông thường như sức khoẻ, may lành, làm ăn phát tài… chắc chắn Ngài không cần cho Con của Ngài xuống thế làm người. Nhưng Thiên Chúa ban cho chúng ta chính Con của Ngài; ý nghĩa đích thực của “món quà” ấy không thể bị giản lược vào một hồng ân vụn vặt nào, nhưng chỉ có thể là chính Thiên Chúa trở nên người Bạn, người Anh, Đấng có thể liên đới trách nhiệm và chia sẻ mọi vui buồn của cuộc sống với con người.
Thiên Chúa của nhiệm cục Tân Ước đã khởi đầu giai đoạn mới bằng việc tỏ mình ra là một hài nhi bé bỏng trong hang đá [xc. Lc 2,1-20]; Ngài đi vào sứ vụ công khai bằng đường lối hoà mình vào đám tội nhân trong giòng sông Giô-đan [xc. Mt 3, 13-17]…; và cuối cùng, trong mầu nhiệm thập giá, Ngài thể hiện trọn vẹn sứ mệnh cứu độ như một hạt lúa được gieo vào lòng đất, chấp nhận thối đi để trổ sinh những bông hạt phong phú cho con người [xc. Ga 12, 24-25].
Nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa là con đường “hạ giáng” để trở nên tầm thường, nên tội luỵ, chứ không phải con đường khẳng định vị thế vinh quang:
“Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” [2 Cr 5,21; xc.Gl 3,13; Cl 2,14].
Chính khi trở nên tầm thường và tội luỵ, Thiên Chúa có thể gặp gỡ và liên đới với thân phận tội luỵ của con người để cứu độ con người:
“Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” [Dt 2, 17]
Đó chính cách thức cứu độ bằng sự liên đới trách nhiệm và đồng hành chứ không phải bằng cách “bố thí”, “phát chẩn”. Cách thức cứu độ ấy liên lụy sâu xa đến chính bản thân Ngài; Ngài trở thành người trong cuộc, chứ không phải chỉ là một sự trợ giúp như là ban bố những của “dư thừa”. Ý nghĩa đó được thánh Phaolô diễn tả trong mầu nhiệm “tự hủy” của Thiên Chúa:
"... nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế" [xc. Pl 2, 6-7 tt].
Như thế, tấm lòng âu yếm của Thiên Chúa đối với những người nghèo hèn không phải chỉ được diễn tả như một chút ủi an, như chỉ dạy một con đường luân lý, nhưng còn là một Đấng cùng chung chia phiền luỵ của phận người. Chính cách thức ấy mới có thể đưa ơn cứu độ đến tầm tay những người nghèo hèn, đĩ điếm, thu thuế, trộm cướp, tội lỗi. Ngài mời gọi họ tin vào Ngài, thế thôi ! Tin ở đây dĩ nhiên không phải chỉ là một sự chấp nhận của lý trí, nhưng là gắn bó, đi theo, liên đới, hay để cho Thiên Chúa tỏ bày sức mạnh giải thoát của Ngài cho mình. Ngài muốn giơ tay để những ai tin tưởng nơi Ngài có thể “móc nghéo”, “bắt tay” và giao ước với họ trong một giao ước ngôi vị, tạo nên một “cộng đồng ngôi vị”.
Cách thức ấy thể hiện nhiệm cục cứu độ trong lòng tôn trọng phẩm giá của phía đối tác; Ngài không cứu độ con người bằng cách biến con người thành một “lũ ăn mày”[1], nhưng mời gọi con người trở nên những người bạn và người em của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Đức Giêsu muốn gọi các tông đồ là bạn hữu, không phải là nô lệ [xc. Ga 15,15a]; nhờ đó, các tông đồ mới được thông chia những gì thâm sâu nhất trong gia đình Ba Ngôi: “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết" [Ga 15,15b]. Đức Giêsu trở nên Bạn Đồng Hành để san sẻ vui buồn.
Rồi Ngài còn trở nên “Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc” [Rm 8,29]; Ngài là “Anh Hai”, “Đại ca” để liên đới trách nhiệm với con người, đặc biệt với những người bé mọn, trên bước đường đời,
“Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giêsu, và những ai được thánh hoá đều do chung một nguồn gốc. Vì thế, Ngài đã không hổ thẹn gọi họ là anh em. . . “ [Dt 2, 11]
Nhiệm cục ấy chẳng những giúp con người vượt thắng được tội lỗi, hoá giải được sự hủy hoại của tính ích kỷ, hàn gắn những đổ vỡ do sự ghen ghét gây ra, nhưng còn làm cho phẩm giá con người được trở nên thành toàn. Chỉ bằng cách nâng cao phẩm giá con người như thế, người môn đệ Chúa mới có thể xứng đáng với Thần Khí Nghĩa Tử của Đức Giêsu để có thể kêu lên một cách đúng nghĩa và chân thật “Abba, Cha ơi !” [Rm 8, 14-15]:
“Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: “Áp–ba ! Cha ơi !” [Rm 8, 14-15]
Thực sự, đỉnh cao của nhiệm cục cứu độ không phải chỉ là con người được rỗi linh hồn, theo nghĩa được lên thiên đàng để sung sướng một cách tầm thường, nhưng là được gia nhập vào gia đình Ba Ngôi để sống cao cả trong hạnh phúc của tình thương. Chính nhiệm cục tự huỷ như thế mới thực sự công bố tình thương của một Thiên Chúa cao cả.
***
Thiên Chúa là Đấng Thánh, và “thánh” có nghĩa là tách biệt, siêu việt. Những ý nghĩa ấy mới chỉ diễn tả một nửa Kitô giáo. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa còn thể hiện sự thánh thiện của Ngài bằng sự liên lụy với con người, chia sẻ phận người và chịu chết cho con người. Chính qua quá trình “tự hủy” ấy, Đức Giêsu lãnh nhận danh hiệu “Đức Giêsu Kitô là Chúa” [xc. Pl 2, 1-11]. Ta có thể thấy nét khác biệt nổi bật giữa Cựu Ước và Tân Ước : từ một Thiên Chúa oai phong, đến một Thiên Chúa thân tình; từ một Thiên Chúa là vua đến một Thiên Chúa là Cha[2]. Nét khác biệt ấy không phải là điều tùy phụ, nhưng là biểu hiện sự tiến triển căn bản của nhiệm cục cứu độ. Như thế, ta cũng có thể nói rằng sự khác biệt của tâm tình sống đạo giữa "kính sợ" và "thân tình", có lẽ, cũng không phải là điều tùy phụ nhưng phải là sự thay đổi tâm tình căn bản của nhiệm cục cứu độ từ Cựu Ước sang Tân Ước.
[1] Ở đây chỉ muốn nói về một cung cách xin sỏ, không nhằm những người nghèo.
[2] Cựu ước có đôi lần gọi Thiên Chúa là Cha [X. Xh 4,22; Kn 2,13.16; 14,16; Hs 11,1; Is 1,2; Gr 31,9]. Nói chung, người Do Thái không dám gọi Thiên Chúa là Cha trong lời cầu nguyện. Thỉnh thoảng họ có gọi “Cha”, nhưng lại phải thêm ngay tiếng “Chúa” để khỏi bất kính [Kn 14,3; Hc 23,1.4; 51,10]. Trong khi đó, tước hiệu “Cha” xuất hiện phong phú lạ thường trong Tân Ước [05 lần trong Marco; 17 lần trong Luca; 45 lần trong Matthêu; 118 lần trong Gioan, và rât thường xuyên trong Phaolô. Tân Ước còn ghi lại từ ngữ Aram như một diễn ngữ đặc biệt và quen thuộc Abba. Có nhiều bằng chứng minh xác các Kitô hữu đầu tiên đã dùng từ ngữ Abba để gọi Thiên Chúa. Cuối cùng, chúng ta nhận thấy nơi Chúa Giêsu một cung cách gọi “Cha” riêng biệt, đơn thuần chứ không phải chỉ là một từ ngữ ẩn dụ [x. Mc 14,36; Lc 23,34; Lc 23,46; Mt 11, 25-26. . . ].