Có thứ đạo đức mang lại ơn cứu độ nhưng cũng có thứ đạo đức lấy mất ơn cứu độ! Từ Đức Kitô, nền đạo đức Do Thái Giáo được chuyển sang nền đạo đức Kitô Giáo. Vì thế, nếu không lưu ý, các kitô hữu có thể vẫn đang sống theo tinh thần của Cựu Ước! Họ như người di dự tiệc cưới mà không mặc áo cưới; hoặc tệ hơn, cách sống đạo của họ như rượu mới đổ vào bầu da cũ, miếng vải mới được vá vào áo cũ, cuối cùng là hư hoại cả hai! Tuy thế, họ vẫn thích rượu cũ, vì cho rằng rượu cũ ngon hơn (x. Lc 5,39)! Môn đệ của ông Gioan Tiền Hô và môn đệ của những người Pharisêô đều là những người đạo đức, thể hiện qua sự tuân giữ luật chay kiêng nghiêm ngặt. Lòng đạo đức từ việc tuân giữ luật lệ này làm cho người ta cảm thấy khó chịu vì tính “vô luật lệ” của người khác, và họ đặt vấn đề chay kiêng của các môn đệ Chúa Giêsu. Đó chỉ là cách nói, họ trách cả Thầy Giêsu của các môn đệ này: “Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu!’” (Mt 11,19).
Lối đạo đức do tuân giữ luật lệ này được gọi là đạo đức Pêlagiô. Nhà khổ tu Pêlagiô (thế kỷ 5) là con người ý chí mạnh mẽ, tuân giữ mọi luật lệ cách nghiêm ngặt hơn người. Và ông tự hào về chính ông, ông tin mình được cứu độ do chính thành tích giữ luật của mình! Đó là nền đạo đức quy ngã. Chúa Giêsu không chủ trương một đời sống đạo xem thường luật lệ, nhưng hướng về một nền đạo đức quy Kitô. Chúa Kitô là chàng rể, nên người ta sẽ không ăn chay khi chàng rể đang ở với họ, nhưng khi Ngài “vắng mặt”, các tín hữu sẽ ăn chay, tỉnh thức chờ ngày Ngài trở lại.
Lối đạo đức quý phái, cảm thấy mình hơn người, càng không thể chấp nhận cách thức của Chúa Kitô Thượng Tế, là vị Thiên Chúa làm người và trải qua mọi đau khổ, nghèo hèn của đời người, và vì thế, Ngài trở nên người thấu hiểu để cầu khẩn cho con người tội lỗi, lầm than! Sự đạo đức theo kiểu Chúa Kitô Thượng Tế đòi kitô hữu là người dấn thân, lam lũ với những người bé nhỏ, có tâm hồn cảm thông với những người yếu đuối!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn