Câu chuyện hai mẹ con Rêbecca và Giacóp gian dối để đánh lừa ông Isaac hầu lãnh lấy lời chúc lành của ông, khiến người ta đặt ra vấn đề luân lý: tại sao kẻ lừa dối như Giacóp lại được Chúa chọn làm tổ phụ dân Israel và đưa đến dòng dõi của Đức Giêsu Kitô. Cách suy nghĩ của chúng ta cho thấy ước muốn của con người là người lành phải được mọi điều lành và người dữ thì ngược lại. Từ đó, chúng ta cũng không thể chấp nhận được rằng người lành mà gặp hoạn nạn! Tuy nhiên, thực tế của đời sống lại có những nghịch lý khó chấp nhận như vậy đó, và người ta quay ra trách Chúa! Nhưng tại sao con người làm điều sai, điều dữ mà lại trách Chúa?! Hơn nữa, Thiên Chúa không loại trừ người tội lỗi, mà vẫn đón nhận và dẫn dắt họ.
Thực ra, câu chuyện trên phải được nhìn theo một hướng khác, đó là từ nguồn gốc hình thành bản văn. Người Do Thái vốn thuộc dòng dõi ông Giacóp muốn khẳng định vị trí của mình trên dân Êđom là dòng dõi ông Êsau, nên họ hình thành bản văn theo hướng cho thấy Thiên Chúa chúc lành cho họ hơn và họ phải thống trị trên dân Êđom. Tuy nhiên, dù thế nào thì cũng là ông Giacóp đã chiếm đoạt vị trí của anh mình!
Tin Mừng hôm nay cho thấy một thái độ chiếm đoạt khác, đó là của những người tự coi mình là đạo đức. Những người Pharisêô và các môn đệ của ông Gioan Tiền Hô thực hành việc ăn chay thường xuyên, có lẽ là hai lần một tuần. Từ ý nghĩa sâu xa là ăn chay để cầu khẩn Thiên Chúa ban Đấng Cứu Độ và chuẩn bị tâm hồn chờ đợi đón Đấng ấy, thì nhiều người đã coi việc ăn chay như là thành tích đạo đức của mình và phê phán những người không ăn chay như họ. Họ đã chiếm mất chỗ của Đấng Cứu Độ. Vì thế khi Chúa Giêsu đến với cách hành xử khác với họ, thì họ không đón nhận và còn loại trừ Ngài nữa. Chúa Giêsu tự gọi mình là chàng rể như cách nói của Cựu Ước về Đấng Cứu Độ.
Câu chuyện về ăn chay tiếp diễn sau việc Chúa Giêsu gọi ông Matthêô và dùng bữa với những người thu thuế bạn hữu của ông này. Điều ấy cho thấy những người tội lỗi “ít nguy hiểm” hơn những người đạo đức, bởi vì họ biết mình tội lỗi và do đó, họ có nhiều cơ may phục thiện; còn những người đạo đức thì khó hơn nhiều, vì họ tự hào về chính mình. Con người tâm linh là con người mở ra cho Thánh Thần và bước theo Ngài, chứ không phải để suy tôn chính mình. Đừng chiếm chỗ của Thiên Chúa, nhưng hãy trở nên dễ bảo với Ngài.
“Tôi coi lòng đạo đức là mở ra với mầu nhiệm sự sống mà không lèo lái nó theo ý mình” (Tomas Halik)
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn