Cuộc đời Marthe Robin - Sự lựa chọn lớn - Lm. Peyrous

Cuộc đời Marthe Robin - Sự lựa chọn lớn - Lm. Peyrous

Cuộc đời Marthe Robin - Sự lựa chọn lớn - Lm. Peyrous

Ngày 22 tháng giêng năm 1930, chị Marthe Robin viết trong cuốn nhật ký: “Sau những năm âu lo, tội lỗi, sau nhiều cơn thử thách thể lý và tinh thần, tôi đã dám, tôi đã chọn Đức Kitô Giêsu”. Vào một lúc nào đó, một sự chuyển hướng quyết định. Chúng tôi biết sự kiện đã xảy ra vào lúc và hoàn cảnh nào: đó là ngày thứ Hai mồng 3 tháng 12 năm 1928.

I. Tuần đại phúc năm 1928

Sự lựa chọn của chị Marthe đã thực hiện trong biến cố ở giáo xứ do cha sở Faure chuẩn bị: tuần đại phúc năm 1928.

1. Cuộc gặp gỡ ngày 3 tháng 12 năm 1928

Trong hành động mục vụ cổ điển, những tuần đại phúc là một cơ hội đôi khi có tính cách quyết định để hoán cải hoặc tái hoán cải giáo xứ. Giữa những khoảng cách khác nhau, các cha sở mời những vị giảng phòng “đặc biệt” đến ở giáo xứ trong vài tuần lễ. Đó là những linh mục giáo phận hay những dòng tu chuyên môn giảng phòng. Cách chung, các ngài có giọng nói đanh thép, nhắm thẳng vào điểm chính yếu. Chất vấn người nghe, đặt họ trước trách nhiệm của họ, dẫn đến một lựa chọn, một cuộc trở lại. Đối với nhiều người, tuần đại phúc kết thúc bằng việc xưng tội và kéo dài bằng một cam kết thể hiện trong đời sống. Trong nhóm các vị giảng tuần đại phúc cấp giáo phận, các tu sĩ dòng Phanxicô nổi tiếng về niềm xác tín mạnh mẽ của các ngài. Các ngài nhắm đặc biệt giới bình dân. Chỉ có uy tín và có lực nội tâm mới có thể đạt tới giới này.

Tuần đại phúc ở Châteauneuf đã được thực hiện, theo yêu cầu của cha Faure. Cha lo lắng muốn lay động giáo xứ và đảo ngược hướng tiến triển của giáo xứ, nhờ các tu sĩ dòng Phanxicô ở Lyon. Tuần đại phúc hoạt động trong tháng 11 và kết thúc ngày 2 tháng 12 năm 1928. Theo lời chứng của cha sở, tuần đại phúc không đạt kết quả: “Có số ít người trở lại [1] giữ đạo, nhưng trong số ít này, phần lớn không kiên trì”. Rất hiếm có trường hợp tuần đại phúc thất bại hoàn toàn như thế. Đó là dấu chỉ là làng này không rảnh rỗi: chúng ta nhớ ở đó có một hội quán tam điểm.

Một trong các tu sĩ giảng tuần đại phúc là cha Marie-Bernard, ở Marseille (Bernard Spagnol, 1883–1943). Cha là một người nhiệt thành, đã đi truyền giáo ở xứ Syrie, khi các tu sĩ bị cấm chỉ tại Pháp. Trước năm 1914, cha đã đọc “Truyện một tâm hồn” của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (Histoire d’une âme) và nhờ đó cha đã có được những biến đổi. Chính cha cũng viết một cuốn sách về thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Message Nouveau (sứ điệp mới). Người ta cũng biết cha có lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Tóm lại, cha là người sống đức tin, hăng say, dấn thân vào việc rao giảng Tin mừng. Cha không có sự phân định đúng và chính cha cũng thừa nhận như thế. Cha nổi bật về sức lực hèn về nét tế nhị, tinh vi. Tuy nhiên, năm 1928, cha là người của tình thế. Tuy không đạt kết quả ở giáo xứ Châteauneuf, nhưng cha sẽ là kênh truyền ân sủng đến cho chị Marthe Robin.

Trong tuần đại phúc, các tu sĩ đi thăm từng gia đình. Các ngài đặc biệt quan tâm đến những người đau khổ, nhất là những người bệnh nặng. Ngày thứ Hai mồng 3 tháng 12 năm1928, sau ngày bế mạc chính thức tuần đại phúc, cha Marie-Bernard cùng với một cha bạn tu sĩ khác là cha Jean, đến thăm chị Marthe Robin. Bà du By đã quen biết cha Marie-Bernard. Có lẽ bà đã nói với cha về chị Marthe. Từ ít lâu, chị đã biên nhật ký, theo gợi ý của cô bạn Marguerite Lautru, đã tu dòng từ vài tháng nay. Sau lần thăm viếng của hai tu sĩ được ít ngày, có bà Bonnet lên la Plaine và chị Marthe kể cho bà việc được hai tu sĩ đến thăm. Chị nói: "Nữ tu Lautru có lý mà bảo tôi biên nhật ký, tôi đã làm nhưng tuần này, tôi để một trang trắng và không ai biết được sự gì đã xảy ra cho tôi. Mà tại sao? Những trang giấy đẹp, sao không viết lên? chị đã bỏ ngày nào vậy? - Ngày thứ Hai (ngày có cha Jean và cha Marie-Bernard đến thăm chị), tôi đã xưng tội với cha Marie-Bernard, rồi từ lúc xưng tội đến lúc rước lễ, trang giấy nhật ký bỏ trống. Chỉ khi lên trời người ta mới biết chuyện gì đã xảy ra’. Vài ngày sau, tôi hỏi chị: Trang giấy vẫn để trống, có phải vì khiêm tốn mà chị vẫn dấu kín chuyện đã xảy ra. Chị nói với tôi: “Cha sở biết”.

Các cha dòng Phanxicô rất cảm động tạm biệt chị để trở xuống đi về Lyon. Các ngài nói với cha sở: “Cha có một vị thánh nữ trọng đại ở trên đó”, nhưng cha sở phản ứng cách tiêu cực: “Tôi không biết các cha nói về ai”. Các cha dòng bênh vực chị Marthe. Cha sở sẽ không mất nhiều thời gian để đổi ý.

2. Chuyện gì đã xảy ra?

Trong buổi hai cha dòng đến thăm, có xảy ra một biến cố trong đời sống của chị Marthe. Bắt đầu từ đây, đời sống của chị chẳng bao giờ như trước nữa. Chính trong lần trò chuyện với cha Marie-Bernard mà sự việc được hình thành. Thật sự, ít lâu sau, chị Marthe khuyên cô bạn Gisèle Boutteville đi Lyon gặp cha Marie-Bernard: “Cha sẽ hiểu chị… chị thấy đó, tôi có một hướng sống khác”. Vậy hướng sống nói đây là do cha Marie-Bernard, rõ ràng cha đã hiểu chị.

Chắc chắn sự việc không đơn giản. Trước tiên cha Marie-Bernard đã công nhận và chứng thực những ơn thần nghiệm của chị Marthe, vì từ lúc đi chữa bệnh ở Saint-Péray chị không thể nói về những ơn kể trên với bất cứ ai được. Nhưng điều đó dẫn tới điều g? Linh đạo hy sinh là một chuyện nhưng còn phải đi xa hơn. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã dẫn chị Marthe vào con đường tình yêu. Nhưng tình yêu dừng lại đâu? Đi tới đâu? Linh đạo Phanxicô dựa trên kinh nghiệm của thánh Phanxicô Assisi. Mà thánh nhân đã được kể như “đồng hoá” với Đức Kitô. “Franciscus alter Christ”. Nói cách khác, Đức Kitô đã sống thế nào thì Phanxicô được mời gọi sống như vậy nữa. Dĩ nhiên là theo cách thế của thánh nhân. Thánh Phaolô đã nói: “Không phải tôi sống, chính Đức Kitô sống trong tôi”. Cũng như thánh Phaolô, thánh Phanxicô Assisi đã bị Đức Kitô xâm chiếm, đã được đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, khiến thánh nhân cũng nhận trong thân xác mình những dấu thánh của Chúa Giêsu đau khổ. Đau khổ của thánh Phanxicô, dữ dội trong cuộc sống, đã được biến đổi, đổi dạng thành tình yêu. Chắc chắn cha Marie-Bernard đã nói với chị Marthe: ơn gọi của chị là giống ơn gọi của thánh Phanxicô Assisi là kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu đến mức Chúa muốn sống trong chị. Đó là sự lựa chọn trọng đại.

Chị được ơn từ trên cao soi sáng, chị hiểu rằng lời mời gọi này là đúng. Mọi sự đã được sắp xếp. Chị đã lãnh nhận như: “Sự đổ tràn Thần Khí”, từ ngữ quen sử dụng. Thánh Thần chiếm đoạt chị và trao ban cho chị cùng một lúc sứ vụ và sức lực của Người để thi hành. Chị đã chuyển hướng cuộc sống. Như vậy chị có thể viết trong Nhật ký.

Đời sống tôi càng quy phục Thiên Chúa và giống đời sống của Đấng Cứu Chuộc, tôi càng tham dự vào việc hoàn thành Công trình của Người. Như vậy, kết hợp với hy lễ vô tận, việc làm âm thầm, những việc bé nhỏ nghèo nàn, những lời cầu nguyện không ai biết, mọi việc hy sinh, mọi đau khổ và hãm mình của tôi, kể cả cuộc sống có vẻ vô dụng, tôi tin chắc rằng: chẳng những tôi lo cho việc nên thánh bản thân tôi mà còn hiến dâng cho Thiên Chúa một đoàn đông vô số người được tuyển chọn.

Để giúp chị, cha Marie-Bernard đã cung cấp cho chị một vài gợi ý. Trước tiên, cha yêu cầu chị đừng đọc sách đời nữa, và kể cả những sách đạo không trực tiếp liên hệ đến đời sống thiêng liêng. Cha vận động thiết lập mối quan hệ đầy tín nhiệm hơn giữa chị Marthe và cha Faure. Cha Marie-Bernard bảo lãnh chị Marthe Robin đối với cha sở Faure. Sau hết, cha yêu cầu chị làm em thiêng liêng các cha dòng và vào dòng ba thánh Phanxicô. Chị Marthe không thấy rõ điều đó tương ứng với sự gì đối với chị và chị do dự. Nhưng, vì cha Marie-Bernard năn nỉ cuối cùng chị chấp nhận đề nghị đó. Chắc chắn, trong tâm tư của cha, việc đó nhằm cung cấp cho chị Marthe một sự nâng đỡ về mặt thiêng liêng. Một nền tảng để chị có thể cho đời sống thiêng liêng của chị nương tựa vào đó [2]. Chính lúc đó lại có xảy ra một biến cố khác. Biến cố làm cho chị vững tin vào việc “chuyển hướng” chị vừa thực hiện và cũng đem đến cho chị những phương tiện đi tới mà tuân theo hoàn toàn linh đạo dòng Phanxicô.

3. Đêm 4 tháng 12 năm 1928 và những hậu quả

Cha Faure đã kể lại cho chúng ta một chứng từ về biến cố xác nhận cuộc gặp ngày 3 tháng 12. Cha viết: “Chị sợ đã mạo hiểm khi trong đêm [thứ ba] 4 hoặc 5, Chúa đã hiện ra với chị và sau khi Chúa trấn an chị ba lần, Chúa xin chị đồng ý chịu đau khổ để cho người có tội trở lại nói chung và cách riêng là những người có tội ở Châteauneuf. Đồng thời Chúa nói với chị là Chúa muốn tôi làm cha thiêng liêng và muốn giữ chị và tôi có sự hiệp nhất đặc biệt. Sau mỗi câu trả lời khẳng định, chị cảm nhận và thấy một thanh kiếm đâm sâu vào tim chị. Bắt đầu từ ngày đó chị hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa và quyết tâm chấp nhận mọi thử thách vì những người tội lỗi đáng thương và chỉ có một mình Chúa biết chị đã chịu đựng những gì từ bây giờ”.

Từ đó, chị Marthe không chờ lâu. Chị xin cha sở Faure làm cha thiêng liêng. Điều rất lạ thường là cha chấp nhận làm người đồng hành thiêng liêng của người thần nghiệm không phải là việc nhỏ. Phải có đức khiêm tốn và những khả năng khác thường. Tuy nhiên, nhờ được các cha Phanxicô trấn an, dù rất sợ các người thần nghiệm, cuối cùng cha Faure chấp nhận. Ngày 16 tháng 12 chị Marthe viết cho cha một bức thư. Cha Faure gán cho bức thư một tầm quan trọng đến nỗi cha sẽ giữ bức thư trong sách kinh nhật tụng suốt đời. Sau khi cha qua đời, người ta mới tìm thấy: “Kính thưa cha sở và cha linh hướng kính mến. Con hoang phí, nhưng cha linh hướng có thể thấy đó, bởi lẽ không có phép, không xin thưa với cha linh hướng, có muốn không, vậy mà con gọi là cha linh hướng. Nhưng thật sự nếu cha linh hướng không muốn, con xin cúi mình nhận bản án từ chối, mà cất giữ kín đáo nỗi khổ tâm của con. Chắc không phải vậy, kính thưa cha sở và cha linh hướng kính mến và xin cha linh hướng cho con được làm con chút ít của cha linh hướng”.

Cha Faure là người trung hậu. Cha hết lòng dấn thân vào tác vụ mới này. Những quan hệ của cha với chị Marthe nhanh chóng trở nên đơn sơ và tự nhiên. Chị không ngại tỏ bày tâm sự với cha. Cũng trong thư nói trên, chị ghi thêm dòng chữ nói lên mối tình thân mật giữa chị và cha sở: “Nếu cha linh hướng có thể đến la Plaine trước lễ Giáng Sinh, con xin cha linh hướng một lúc rất lâu, cha linh hướng đừng mang theo đồng hồ, như vậy sẽ tốt hơn…”

4. Một đà tiến tới

Như thế, chị Marthe Robin bước vào một đời sống triệt để khác hẳn. Ít lâu sau, chị mô tả việc kết thúc thời kỳ biến đổi và phác họa một chương trình sống cho tương lai:

Toàn thể con người tôi vừa trải qua một biến đổi may mắn. Và tâm hồn tôi mới hôm qua còn bị chôn vùi trong chốn tối tăm sầu não, giờ đây mở đến những chân trời mới. Tôi cũng cảm thấy mình được đổi mới để chiến đấu và chấp nhận đau khổ.

Có một lúc nào đó tôi sợ không còn nghị lực, không còn muốn gì hết. Biết bao nỗi lo sợ? nhưng Chúa Giêsu đã sửa chữa tôi lại trong Người và chỉ dành cho Người mà thôi. Đó như một đời sống mới… Tôi ham muốn, tôi thèm khát làm việc vì tình yêu và vinh quang Thiên Chúa…

Quyết tâm của tôi là luôn sống kết hợp với Thiên Chúa và làm cho sự kết hợp mỗi ngày thân mật và chặt chẽ hơn, để trở nên phì nhiêu sung túc hơn.

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Lê Tấn Thành

 


[1] Sự trở về với việc “giữ đạo”.

[2] Chị đã được tiếp nhận vào dòng ba Phanxicô ngày 24 hoặc 25 tháng 2 năm 1930.