Chị Marthe Robin nhanh chóng dốc toàn lực bắt đầu đời sống mới đang mở ra trước mắt chị. Ngày 28 tháng 2 năm 1930 chị viết trong cuốn Nhật ký: “Khi chúng ta đã khấn hứa phó thác cho tình yêu, không nên chậm trễ thực hiện cho đến khi hoàn thành lý tưởng thần linh đó”. Giờ đây Thiên Chúa trực tiếp dẫn dắt chị. Đó là giai đoạn xây dựng. Sự lựa chọn lớn được xác nhận bằng những lựa chọn tiếp theo. Cô bạn của chị là Jeanne Bonneton làm chứng: “Ngày áp lễ Thăng Thiên 1929, Chúa đã cho chị Marthe lựa chọn: lên Trời ngay bây giờ hay ở lại dưới thế này một thời gian dài và cứu được nhiều linh hồn”. Trời là lý tưởng của chị Marthe: xem thấy trực tiếp Thiên Chúa, đó là hạnh phúc được bảo đảm. Ở lại dưới thế này, tức là tiếp tục đau khổ, hứng lấy bão táp cuộc đời, mạo hiểm. Tuy nhiên đó cũng là thi hành sứ vụ. Chị Marthe chấp nhận sứ vụ một lần nữa.
Cuộc đời của Chị Marthe ở dưới thế chỉ làm cho chị hứng thú, thậm chí say mê, nhờ kinh nghiệm cao quý nhất mà con người có thể có được mà thôi: là đi vào trong sâu thẳm của Thiên Chúa. Con đường Thiên Chúa chọn cho chị, như chúng ta đã thấy, là kết hợp với Chúa Giêsu. Tuy chị vẫn là chị và còn hơn nữa, tuy vẫn trở nên chị hơn nữa, từ nay chị Marthe Robin có một “tiếp xúc” liên tục với Đức Kitô. Suốt trong thời gian này, sự “tiếp xúc” được linh hồn cảm nhận. Các Giáo phụ, những tác giả Kitô hữu đầu tiên, dựa theo kinh nghiệm của bản thân, đã xây dựng một giáo lý về “những giác quan thiêng liêng”. Các ngài giải thích hồn có “những giác quan” rất giống như thể xác. Nhưng chính tội đã làm tê liệt các giác quan thiêng liêng đó. Một ngày nào đó, Thiên Chúa có thể kích động lại. Từ đó, nhờ tác động của ân sủng, người ta có thể “cảm nghiệm” Thiên Chúa, “chạm tới” Thiên Chúa, “nếu” Thiên Chúa… sự kiện này lạ lùng, bởi vì sức mạnh của “các giác quan thiêng liêng” trổi vượt vô song sức mạnh của các giác quan thể lý. Chị Marthe giờ đây có kinh nghiệm này.
Sự kết hợp với Đức Kitô có thể mang nhiều hình thức khác nhau tùy mỗi linh hồn và tùy kế hoạch Thiên Chúa dành cho mỗi linh hồn. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa. Người vô tận. Vậy không ai có thể “bao quát” được Thiên Chúa. Như vậy, Thiên Chúa xuất hiện cho một người dưới một khuôn mặt rõ ràng, riêng biệt. Một vị thánh nhân khác sẽ liên lạc với Chúa Kitô qua một tiếp xúc, một sự đồng hoá khác hoàn toàn. Chị Marthe Robin đã được kết hợp với Chúa Kitô trên Thập giá. Đó là con đường của nhiều thánh nhân đã trải qua. Nhưng ngay trên đường này, cũng có nhiều sắc thái, nhiều biến thể.
Vì chưng, đối với chị, không chỉ có sự kết hợp trong đau khổ, mà nhất là một sự hợp nhất tận vùng sâu thẳm của hữu thể. Quan hệ thân mật này thường mượn từ ngữ của trái tim. Ví dụ, người ta sẽ nói: đi vào mầu nhiệm Trái Tim Chúa Giêsu. Biểu tượng Trái Tim Chúa Giêsu, được Giáo hội sử dụng để chỉ mối thân mật của Chúa Kitô, những gì ở trong Người rất sâu thẳm, dấu kín và quý báu nhất. Khi chị Marthe được “tiếp xúc” với Trái Tim Đức Kitô, chị biết được những tâm tình mật thiết nhất, những nguồn gốc tình yêu của Người. Chị hiểu biết và cảm nghiệm lý do của sự dâng hiến mạng sống cho loài người. Sự dâng hiến được bày tỏ bằng sự chết của Người và chết trên thập giá. Chị tóm lại cách tuyệt diệu tất cả cuộc sống của chị trong một câu:
Thánh Tâm Chúa Giêsu chịu đóng đinh là ngôi nhà bất khả xâm phạm tôi đã chọn ở dưới thế này.
Câu này như là một khẩu hiệu, chứa đựng nội dung chính yếu trong linh đạo của chị. Chị Marthe có thể chấp nhận hiến thân cho Thiên Chúa, như “hy lễ tình yêu”, nói theo cách thông thường lúc đó. Chị không chỉ muốn bù đắp cho việc lỗi phạm sự công chính của Thiên Chúa bằng cách chịu đau khổ và hiến thân. Chị muốn trước hết đi tới tột đỉnh tình yêu, khám phá nơi bản thân, đón nhận từ Thiên Chúa, tình yêu toàn vẹn tùy theo khả năng của chị. Và chị chấp nhận điều đó phải qua thập giá, dẫu rằng dưới mắt người phàm, điều đó có vẻ phi lý. Chị có thể viết như sau:
Ôi Thập Giá! Thập Giá của Đấng Cứu Độ tôi yêu mến và ca tụng, là kho tàng ngọt ngào của hồn tôi, chính bằng Thập Giá mà tôi muốn sống và chết bởi vì trong Thập Giá, chỉ trong Thập Giá mới có con đường của tôi, niềm hy vọng của tôi và niềm vui của tôi trong thời gian lữ hành u buồn của tôi… Lạy Chúa Giêsu dịu hiền của con! Nơi đó con kết hợp những đau khổ của con với những đau khổ của Chúa, những lo âu của con với những lo âu của Chúa; Chính nơi đó con đợi toa lửa cuối cùng giải thoát hồn con khỏi ngục tù trần gian, hợp nhất con mãi mãi với Đấng lòng con mong muốn.
Trước hết chúng ta hãy ghi nhận: Lời nói trên đây mang ý nghĩa khác với thời kỳ trước. Tuy vẫn có một hy vọng nào đó. Nhưng không có ảo tưởng. Đời sống dưới thế này vẫn đầy đau thương, đau khổ và lo âu. Tuy nhiên những đau khổ này từ đây có thể chấp nhận được:
Lạy Thầy con tôn thờ, xin làm cho con hoàn toàn chết cho thế gian và cho con nữa. Con chấp nhận, với lòng yêu mến và với niềm vui to lớn hơn mãi mãi, những mối sầu khổ, những nỗi khổ cực. Những an ủi, những đau khổ, những khô khan, những ruồng bỏ, những phản bội, những khinh miệt… con yêu mến tất cả vì đến từ Chúa, vì nhờ đó con được hợp nhất với Chúa và được giống Chúa đôi chút, lạy Thiên Chúa Cứu Chuộc của con.
Sự chấp nhận này có thể thực hiện được vì xác định một sự sung mãn thiêng liêng, chứ không phải nhân phàm.
Có gì sẽ phát xuất từ con người bé nhỏ khốn khổ từ những thử thách đã được chịu đựng với cách thức Kitô hữu và với lòng yêu mến? Chắc chắn đối với tôi, từ đó có thể phát xuất những ơn đặc biệt, là nhân đức và thánh thiện đối với những người tôi rất yêu quý, những ơn rực rỡ là ăn năn trở lại và có thể đối với nhiều người, nhiều linh hồn khác, những ơn kỳ diệu. Ơn Cứu Độ.
Có lẽ nhờ những thử thách có vẻ hủy diệt tôi nhất, khiến tôi mất hết mọi khả năng, mà những ước mơ nồng nhiệt nhất của tôi, những lời cầu nguyện sốt sắng nhất của tôi, những lời van xin nài nỉ nhất của tôi sẽ được thực hiện đầy đủ.
Vậy giờ đây chị Marthe có thể nói: chị được hạnh phúc và chị không bỏ qua việc đó. Tình yêu trở nên mạnh hơn nỗi đau khổ và lan rộng khắp bản thân ch: “Ôi Chúa Giêsu, Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa! Con sung sướng trong mọi nỗi đau khổ của con”.
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Lê Tấn Thành