Lịch sử của một người gắn liền với lịch sử của xứ sở, gia đình dòng họ. Chị Marthe Robin cũng không đứng ngoài thông lệ đó. Chị là một người con gái ở một làng nhỏ nước Pháp: Châteauneuf-de-Galaure.
Chị Marthe Robin sinh năm 1902 tại làng Châteauneuf-de-Galaure, thuộc khu vực trung đông nước Pháp, xưa khu vực này là tỉnh của vùng Dauphiné, bây giờ là tỉnh Drôme, tên giáo phận là Valence. Cách 70 km phía nam thành phố Lyon, và cách Valence 46 km phía bắc, Valence vừa là thị xã và toà giám mục.
Châteauneuf nằm ở thung lũng la Galaure, tên một nhánh sông nhỏ của sông Rhône, cách sông cái khoảng 20 km về phía tây. Địa hạt xã trải dài trên hai khu đất: thung lũng và những sườn đồi phía trên thung lũng. Phần đất của làng gồm một phần cũ nằm trên sườn đồi, phần đất mới được thiết lập dọc theo tỉnh lộ, theo chiều dài của thung lũng. Thuở xưa, làng có một lâu đài tên của làng đặt theo tên của lâu đài: lâu đài mới. Theo dòng lịch sử, lâu đài mới thuộc gia đình de Moirans sau đó của gia đình Montchenu. Lúc đó, tình trạng lâu đài tồi tệ, chỉ còn một phần khu nhà ở và chuồng ngựa. Ngoài khu dân cư chính lúc đó có 676 dân cư, Châteauneuf gồm hai khu dân cư cách biệt nhau: Saint-Bonnet-de-Galaure với 539 dân cư và Treigneux với 137 dân cư. Sau đó, Saint-Bonnet trở thành một xã tự trị. Về phần đạo, ba khu dân cư đó, vào đầu thế kỷ 20, là ba giáo xứ khác nhau. Lúc đó, Châteauneuf là một xã nông nghiệp đa số dân cư sống nghề đồng áng, trừ một ít người làm nghề thủ công. Chúng ta đang ở thời kỳ nước Pháp trước thế chiến 1914 trong một thế giới với nhịp sống chậm chạp, gắn liền với đất đai, phải lao động cực nhọc mới đủ sống, không thể cậy dựa vào trợ cấp của Nhà nước để sinh sống khi túng thiếu. Đó là một xã hội có điểm mốc vững chắc: mỗi người đều biết mình là ai, phải làm gì. Người ta không đặt lại vấn đề về luân lý, lòng yêu lao động, yêu tổ quốc. Đa số dân cư lập gia đình tại chỗ và tiếp tục công việc trang trại gia đình. Tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy thế giới đã bắt đầu thay đổi.
Phía trên thung lũng, ở các sườn đồi, người ta gặp nhiều xóm với một ít nhà. Tại địa điểm gọi là bình nguyên (nhưng đúng là cao nguyên) một xóm nhà gọi là xóm les Moilles. Xóm này có ba trang trại: trang trại Achard và hai trang trại khác gần nhau, thuộc gia đình hai anh em họ: gia đình Robin. Hai anh em có cơ sở nông trại chung, dưới một mái nhà. Giếng cũng là của chung. Gia đình les Mọlles ở cách xa làng toạ lạc ở phía dưới, khoảng 2 km cách xa thung lũng. Trên sườn đồi, tầm nhìn rất xa khi trời không có mây che. Phía đông là núi Jura núi Alpes với đỉnh mont Blanc, cao nhất Âu châu (4807m). Dãy núi la Chartreuse, phía trên thành phố Grenoble, Royans và Vercors. Phía tây, bên kia sông Rhône, người ta nhìn thấy dãy núi Vivarais với ngọn Pilat; tầm nhìn hướng thượng phía nam tới núi Lozère. Tóm lại, phía đông có 200km núi và phía tây ít hơn. Sau này, chị Marthe Robin sẽ nói: “Từ cây dương (cách trại nhà chị khoảng 300m) người ta thấy một phần tư nước Pháp”. Nói hơi quá, nhưng ở địa phương người ta thường nói như thế. Từ trên sườn đồi, đôi lúc, tầm nhìn rất bao la và không khí trong lành. Không có gì cản trở ngọn gió từ trên núi thổi xuống.
Gia đình ông Joseph Robin, thân phụ chị Marthe, sở hữu một trang trại với 13 hecta đất nông nghiệp. Đất đai không to lớn, đất trên sườn đồi không tốt bằng ở dưới thung lũng. Gia đình Robin không giàu, có thể nói là trang trại cỡ trung bình. Nhưng gia đình sống ở nhà mình, trên đất đai của mình. Họ không thuộc giai cấp bần cố nông. Cũng không thể coi họ là những người nghèo. Họ đủ sống, dù phải lao động vất vả và không sung túc. Con cái đi học trường cấp một, và nhà trường trang bị cho con em những nền tảng ưu tú hữu dụng cả đời. Nhưng giới nông dân ít học thức, thô lỗ nữa.
Chúng tôi đã nói là thế giới bắt đầu thay đổi. Thật thế, thung lũng Galaure đã chứng kiến cuộc tranh đấu bài giáo sĩ, đặc điểm nổi bật trong phần lớn sinh hoạt của chế độ đệ tam Cộng Hòa. Ở thế kỷ 19, nhà nước không hoặc ít chăm lo công việc giáo dục. Các xã thường nhờ cậy các tu sĩ nam nữ. Các vị này cung cấp một nền giáo dục chắc chắn và nghiêm túc và dạy đạo cho con em; hơn nữa việc thù lao không tốn kém nhiều cho công quỹ. Đến thời chế độ đệ tam Cộng Hoà, các tu sĩ bị loại và các giáo viên được đào tạo trong các trường sư phạm thay thế. Theo học giả Marcel Pagnol những trường sư phạm này là “những chủng viện đào tạo óc bài giáo sĩ”. Tại Châteauneuf, sau khi các tu sĩ nam nữ rút lui, trường phần đời trở thành trung tâm tuyên truyền bài tôn giáo cho các trẻ em. Một nhóm chống đạo Kitô được thành lập trong làng và gây sức ép đối với dân cư. Một hội quán tam điểm được đặt ngay tại Châteauneuf và kiểm soát ít nhiều việc bầu cử. Chị Marthe Robin một ngày nọ trên đường làng bị một người xé sách giáo lý. Năm 1961 chị kể cho tôi: “Một ngày nọ tôi đi học giáo lý, tôi kẹp dưới cánh tay quyển giáo lý bìa nâu. Một ông xứ Châteauneut hỏi tôi: ‘Cháu đi đâu?’ Tôi hãnh diện trả lời: ‘Đi học giáo lý Còn cái này, ông chỉ sách giáo lý, cho tôi xem’. Tôi đưa cho ông. Ông cầm và xé đôi cuốn sách giáo lý... Nhưng tôi rất gắn bó với cuốn sách đó, nên từ lúc đó tôi giữ luôn cuốn sách bị xé như một thánh tích. Lúc đó tôi được 7 hay 8 tuổi”. Niềm tin tưởng trong Giáo Hội sa sút, việc giữ đạo giảm bớt. Giới đàn ông ít đi lễ, nhiều gia đình cả nhà đều bỏ việc giữ đạo. Tại Châteauneuf, số người rước lễ mùa Phục Sinh giảm: năm 1897 có 105 nam và 200 nữ, đến năm 1927 chỉ còn 37 nam, 92 nữ và 47 trẻ em. Những chứng từ của các cha sở xác nhận rõ ràng về ý chí bỏ đạo. Tuy nhiên sinh hoạt tôn giáo vẫn được tiếp tục: tất cả trẻ em đều được rửa tội, người ta cưới vợ lấy chồng theo phép đạo, ít có đám tang cử hành theo phần đời. Dù vậy, có một cơn khủng hoảng thực sự lan rộng tận miền thôn quê.