Đời sống của nhiều người một ngày nào đó bị xáo trộn do một cơn bệnh nặng. Cơn bệnh phân chia đời sống làm hai thời kỳ: trước và sau cơn bệnh. Bệnh nhân cần phải thích nghi với một cách sống mới về ba phương diện: thể lý, tâm lý và xã hội. Nhiều bệnh nhân không thể thích nghi được hoặc chỉ thích nghi phần nào thôi. Hoặc còn một số chiều kích như chiều kích thiêng liêng, không được sáp nhập. Bước vào tình trạng đau bệnh dù sao cũng phải trải qua những bước tiến và bước lùi, những lúc nổi dậy và chấp nhận. Đó là cả một thế giới. Chính trong thế giới này mà thiếu nữ Marthe Robin đã bước vào từ năm 1918.
Những triệu chứng
Trong mùa hè 1918, chị Marthe Robin không được khoẻ. Chị nhức đầu, sốt rét, nhức mắt, nôn mửa. Trong một thành phố lớn, có lẽ chị sẽ được chữa bệnh. Trong khu xóm hẻo lánh đồng quê, người ta tự lo liệu và hy vọng bệnh sẽ qua đi. Nhưng ngày 1 tháng 12 năm 1918, đã xảy ra cho bệnh nhân một biến cố trầm trọng. “Trước 12 giờ trưa tôi ngã xuống nền nhà và tôi đau đớn lắm, tôi la lớn tiếng đòi một bác sĩ”. Biến cố xảy ra trong bếp trang trại.
Sự việc có vẻ rất nghiêm trọng và gia đình thi hành bổn phận. Chị Marthe được hai bác sĩ tên Pangon và Allemand khám bệnh. Hai bác sĩ đến từ xã Saint-Vallier, cách xa lối 15 km, chẩn đoán là trong não có khối u. Tình thế lâm nguy nhanh. Chị Marthe hôn mê suốt bốn ngày. Người ta đoán là chị không qua khỏi, và lo cho chị lãnh Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân. Nhưng chị vượt qua giai đoạn nguy hiểm và lần lần bình phục trong vòng vài tuần lễ. Tuy nhiên bệnh lại tái phát nặng, khiến trong vòng 27 tháng chị sống trong tình trạng ngủ lịm. Trong gia đình, vì không có gì hơn, người ta nói đó là bệnh ngủ. Chị Marthe nằm và không chịu được ánh sáng, vì thế phòng chị chìm trong bóng tối. Chị bịt khăn trên trán, bại liệt một bên. Chị đau đớn quá sức suốt ngày đêm. Cô cháu của chị tên Mercelle viết: “Cô Marthe nằm trong phòng tối đen, phía bếp, cô kêu la quá chừng, tội nghiệp cô, và cô đau đớn cả ngày đêm”. Chị Marthe nói: “Bạn có nhúng tôi vào nước sôi, tôi cũng không đau đớn hơn”. Ở vào thời đó, người ta có ít thuốc để giảm đau. Hơn nữa, không có bảo hiểm xã hội. Làm sao có thể có tiền để điều trị trong một thời gian dài hoặc nằm bệnh viện? Gia đình rất lo lắng. Anh Henri đang ở trong quân đội. Từ ngày 15 tháng 5 năm 1918 đến ngày 2 tháng 6 năm 1919 anh gởi khoảng 50 bưu thiếp cho người nhà. Có đến 29 bưu thiếp có đề cập đến sức khoẻ của chị Marthe.
Tháng 7 năm 1919 cơn bệnh ra trầm trọng hơn: co rút cơ, rối loạn giấc ngủ, tiêu hóa, thị giác, dẫn tới mù mắt trong nhiều tháng. Người ta cố giúp đỡ chị tuỳ khả năng. Người ta tiêm chích cho chị, cho chị ngậm một ít sôcôla, thời đó được kể là dược phẩm. Người ta gặp nhiều khó khăn để cho chị ăn, mặc dầu chị có thể ăn đồ lỏng. Chị không hoàn toàn mất ý thức. Một ngày nọ chị Alice đến gần, chị Marthe nói rất nhỏ: “Em cảm thấy khi có mặt chị”. Có những lúc chị nói rõ hơn một chút.
Trong hai tháng 4 và 5 năm 1921, người ta chứng kiến một thời kỳ thuyên giảm, chị lại bắt đầu bước đi. Chị lại xem thấy được, nhưng chưa hết cận thị. Người ta tưởng là chị khỏi bệnh, nhưng bệnh tái phát trong tháng 11 năm 1921. Chị bị bại chân nữa, cộng thêm cơn đau lưng. Và một lần nữa, chị có thể di chuyển được, mặc dầu chân chị sưng và đau nhức. Vừa khi chị Marthe lại bước đi được, chị đi tới nhiều nơi hành hương. Trong mùa hè năm 1921, chị đi tới Notre-Dame de Chatenay, gần Lens-Lestang và tới Notre-Dame de Bonnecombe, gần Hauterives.
Năm 1922 là thời kỳ yên tĩnh hơn, chị Marthe lại bắt đầu làm việc tại trang trại. Một người bạn chị kể: “Chị thêu để kiếm tiền mua thuốc, để cảm thấy dễ chịu hơn… Cô Caillet cung cấp cho chị món hàng để thêu. Chị Marthe thực hiện công việc thêu tốt hơn những người khác”. Đối với công việc tinh tế, bà khách hàng yêu cầu: “Xin cô trao công việc cho em bệnh tật nhỏ của cô làm”. “Tôi thấy chị Marthe đứng chăn bò, không xa nhà chị lắm… Chị ăn mặc giản dị, màu đen”. Một cô bạn khác, bà Bonnet nói: “Chị rất khéo và làm việc giỏi, chị không muốn sống nhờ cha mẹ”. Mỗi ngày thứ năm, chị đi chích thuốc ở Saint-Vallier. Chị gặp khó khăn vì phải đi xe lửa, mà chị không thể đi bộ dễ dàng đến nhà ga. Do đó, khi có thể được, cha chị thắng xe ngựa đưa chị đến nhà ga.
Tháng 10 năm 1923, chị đi chữa bệnh nhựa thông ở Saint–Péray, tỉnh Ardèche. Chị mô tả cách hài hước cho đứa cháu gái cách người ta làm cho chị xuất mồ hôi: “Người ta đút chúng tôi vào lò mát lạnh và phải ở yên trong đó, nửa giờ, ngoan ngoãn, biến thành mạch nước. Cháu yêu, cháu thấy đó, không phải điều mộng tưởng đâu, nhưng khi nhằm chữa trị bệnh, thì cái đau khổ còn khủng khiếp hơn”. Ít lâu sau chị viết thư cho cô cháu: “Cô sẽ kể cho cháu là hôm nay cô được nấu lần thứ tám, cô nghĩ là chín tới rồi”. Chị Marthe sống gần gũi với gia đình. Trong lúc đợi đám cưới của bà chị Alice, chị viết cho người bác: “Ngày đó chúng ta sẽ khiêu vũ, cháu gửi bác trước, bác đừng quên, xin bác nhớ kỹ nhé”. Như vậy chị hy vọng sẽ khỏi bệnh trong tương lai, và cả trong tương lai gần.
Chẳng may, những kỳ vọng này tiêu tan. Gisèle Boutteville đã quen biết chị Marthe năm 1924, năm 1926 kể như sau: “Chị thay đổi quá chừng… bệnh nặng lắm, bại liệt một phần thân thể. Ngồi trong chiếc ghế bành đặt sau cửa sổ bếp, cánh cửa khép kín một nửa, vì sợ ánh sáng…” Người cháu tên Raymond Gaillard cũng kể: “Ông Robin, cha cô Marthe bồng cô đặt ngồi trong ghế bành. Cô Marthe đọc sách, may, thêu. Phải đỡ cô đứng dậy và bước đi, chịu đau đớn phi thường để ngồi trước đồng hồ và dùng bữa tại bàn”. Đứa cháu Raymond Gaillard, thấy vậy, “hết thấy đói”. Tháng 6 năm 1926, chị viết: “Tôi càng ngày càng ốm yếu”. Nhưng chị tiếp tục thêu. Tháng 9 năm 1926, chị nói: “Công việc may vá, nếu tôi càng làm nhiều thì càng tốt cho tôi và cho những người thân của tôi và cũng cho tinh thần của tôi, vì thường thường tôi gần cạn kiệt can đảm [1]… tôi đã làm việc và làm việc một tí, mặc dù lắm lúc hai bàn tay tôi muốn run lên”. Tháng 3 năm 1927 chị nói: “Sức khoẻ tôi vẫn bấp bênh, đầu tôi nhức nhối lắm, khiến tôi buồn nhiều”. Tháng 7 năm 1927, chị viết thư cho ông dược sĩ ở Saint-Vallier. Và mô tả rất chính xác về bệnh tình của chị: “Thưa ông, trong thư chót ông gửi cho tôi, ông hỏi về tình trạng sức khoẻ của tôi: tôi xin thưa là vẫn như vậy. Tôi đứng dậy (hay đúng hơn được đỡ dậy) mỗi ngày khoảng 10 hay 11 giờ và đặt tôi ngồi trong ghế bành; tôi không cử động nữa cho tới giờ đi ngủ mà không khỏi rơi lệ, mặc dù tôi vẫn uống thuốc viên nén hay viên trứng nhện. Cách chung đêm tôi không ngủ được, trời càng nóng thì tôi càng đau nhức. Mặc dù mùa đông này khắc nghiệt đối với tôi, tôi đã bị một cơn thấp khớp kéo dài và đau đớn, khiến trong một thời gian rất lâu dài tôi không rời khỏi giường”.
Trong tháng 10 năm 1927, một cơn bệnh lại xuất hiện, với đặc điểm là rất đau dạ dày và xuất huyết đường tiêu hoá. Bác sĩ chẩn đoán có lẽ có khối u. Lập tức coi như hết phương cứu chữa. Chị được xức dầu bệnh nhân một lần nữa. Chị hấp hối và ở trong tình trạng hôn mê suốt ba tuần lễ, không ăn uống gì được. Tuy nhiên, lại một lần nữa, chị thoát khỏi cơn nguy hiểm.
Nhưng chị bị tổn thương nặng. Chị không lấy sức lại thật sự nữa. Bắt đầu từ tháng 5 năm 1928, chị sẽ không ngồi dậy được. Phần thân thể dưới bị bại liệt hoàn toàn. Hai cẳng chân chị từ từ co quắp lại. Chị đau nhức thường xuyên. Người ta cho chị thuốc an thần khi có thể; chỉ định dùng thuốc viên đạn có chứa an thần rất mạnh, morphine và belladone, cho chị uống nước gây mê Chloroformé: “Các thứ đó làm giảm cơn đau đớn rất khủng khiếp”. Chị nói thêm: “Tôi còn đau nhức gần như thường xuyên và chỉ dễ chịu hơn nhờ thuốc an thần và uống cả ống thuốc aspirine”. Chị bị những cơn đau khớp và đau dạ dày hành hạ chị, khiến đôi lúc chị kêu la vì đau đớn. Chị cố gắng ăn một ít, dù bị nôn mửa thường xuyên. Chị bị nhức đầu, mặc dù phòng chị nửa sáng nửa tối.
Giải thích bệnh tình theo y khoa
Thật vẫn khó đưa ra một chẩn đoán về một bệnh nhân mà người ta không khám được. Tuy nhiên, nếu thu thập các tài liệu khác nhau về bệnh tình của chị Marthe, người ta thấy rằng các tài liệu đều vững chắc và trải rộng trong một thời gian dài. Vả lại năm 1942 chị đã được hai bác sĩ ở Lyon khám bệnh và được thực hiện bằng những phương pháp nghiêm túc vào thời đó. Cuộc khám bệnh chứa đựng nhiều thông tin hữu ích có thể được kiểm tra với những nguồn tin khác.
Như vậy người ta có thể có vài ý kiến về bệnh của chị Marthe. Trước tiên không được giải thích bằng cách quy về những hiện tượng thần nghiệm. Như thế là lẫn lộn hoàn toàn và sẽ không giúp hiểu biết tiến trình cơn bệnh. Những hiện tượng thần nghiệm, như chúng ta sẽ thấy rõ xảy ra nơi bệnh nhân mà không “thay thế” cơn bệnh. Ví dụ, chị Marthe Robin không có xuất thần suốt hai mươi bảy tháng, như có lúc người ta nói thế. Đúng là suốt thời gian đó, chị đau bệnh, với từng đợt mắc chứng ngủ lịm. Ngay từ bây giờ, điều cốt yếu là phải thiết lập và phân biệt các bình diện.
Tuy không dùng từ vựng y khoa hoặc những tranh cãi giữa các nhà chuyên môn, điều thấy rõ là chị Marthe Robin bị viêm não, có lẽ dưới dạng bệnh Von Economo, nghĩa là chứng u viêm trung tâm thần kinh. Bệnh phát triển suốt đời, với những đợt thuyên giảm. Bênh gây hậu quả mất hoặc giảm những khả năng thể lý và tâm lý rất đau đớn. Trên bình diện đau nhức, một bác sĩ chuyên khoa về các biện pháp tạm thời (cho đỡ cơn đau). Ước tính là cơn đau đớn đến mức tột cùng mà con người có thể chịu đựng được. Lại có thêm mối lo sợ vì bệnh nhân trải qua những đợt thăng trầm xen kẽ với nhau. Như vậy có những lúc tưởng là bệnh thuyên giảm. Có những hiện tượng phục hồi tương đối. Chúng ta biết rằng người bệnh nặng bám lấy những dấu chỉ hy vọng, và chúng ta có thể nghĩ rằng chị Marthe Robin đã tích trữ những gì được kể là tích cực trong đà tiến triển của bệnh. Nhưng những dấu chỉ đó không xác nhận, và cơn bệnh lại bắt đầu cho đến khi đợt thuyên giảm lại xuất hiện nữa. Viêm não không chỉ tấn công thể xác mà còn cả con người, đặc biệt là bản ngã. Bệnh nhân không chỉ cảm nhận mình đau ở một phần thân thể mà còn cảm nhận là toàn thể con người đều ra đi. Bản thân mất những điểm mốc, cuối cùng có thể tự huỷ thân trước sự tấn công tàn bạo của cơn bệnh. Bệnh nhân mất đi những ý nghĩa đời sống. Từ đó, có thể đâm ra điên hoặc tự tử. Chị Marthe ngược lại như chúng ta sẽ biết sau, đã chọn sự sống.
Nhưng trong giờ này, chị đã trở thành một bệnh nhân, chị đã rời khỏi thế giới bình thường. Chị vùng vẫy chống cự với khả năng của chị giữa những vấn đề đều vượt quá sức chị từ mọi phía. Thuốc men thời đó cố làm cho chị đỡ nhưng kỳ thật chẳng giúp chị được bao nhiêu.
[1] Nghĩa là chị đã kiệt sức can đảm rồi.