Cơn bệnh tái phát hôm tháng 10 năm 1927, làm người ta tưởng là chị không qua khỏi, lại là dịp chị bước thêm nữa. Chị đã đến mức cuối cùng. Chị tin chắc là sẽ không sống thêm nữa, chị chuẩn bị ra đi. Chị hài lòng, vì đó là cuộc chấm dứt cuộc đấu tranh kinh khủng và các cơn đau đớn. Tuy nhiên, cũng như đôi khi trong những trường hợp bệnh nhân hấp hối, chị Marthe khỏe lại. Vừa hết hôn mê, chị thổ lộ cho gia đình biết: thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã đến thăm chị nhiều lần và nói với chị về ơn gọi của chị. Chị còn thổ lộ: chị sẽ chưa chết, sẽ sống và kéo dài sứ vụ của chị khắp thế giới. Sau đó, chị kể thêm và cười: “Ồ, cái chị tinh nghịch, chị để lại tất cả cho tôi”. Năm 1931, chị Marthe kể: “Tôi thường nói về thánh nữ. Đối với tôi, thánh nữ là ‘chị cả’ rất thân thương. Giáo lý của chị cả đầy tình yêu đã làm ơn rất nhiều cho tâm hồn tôi, trong thời kỳ tôi trải qua cảnh tối tăm to lớn và cô đơn nhất. Cuốn tiểu sử của thánh nữ: “Truyện Một tâm hồn” (Bản tiếng pháp: Histoire d’une âme) đôi khi tôi tình cờ mở ra, đã cung cấp cho tôi những lời giải đáp đầy ánh sáng và hợp thời đúng lúc”. Chị còn nói: “Phải nói rằng tôi yêu mến chị thánh nhiều lắm, và rằng chính chị thánh lại đóng cửa Trời không cho tôi vào. Lúc đó tôi hài lòng… sẵn sàng ra đi”.
Khi một người đã đến ngưỡng của của cái chết trở về với cuộc sống, người đó thường sẵn sàng nhiều hơn để thi hành những việc chủ yếu. Cuộc sống được đơn giản hóa, những điều căn bản được hiện lộ. Người ấy cũng biết rằng thời gian được ban cho mình giờ đây là một món quà của Thiên Chúa dành cho mình và cho những người khác. Người đó muốn dùng nó tối đa cho cái làm cho mình được sống. Vậy Marthe ra khỏi cơn hôn mê này với một quyết tâm mạnh mẽ và một chỉ định rõ ràng các sứ mạng của chị thay cho thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Mà nên nhớ rằng thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, người đã đau khổ nhiều trong suốt thời gian mang bệnh lao, trước tiên là tiến sĩ của tình yêu. Nơi thánh nhân, sự đau khổ đã bị cái cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa và sự tin cậy nơi Cha trên trời vượt qua. Nhờ thánh nhân, Marthe sẽ không chỉ đơn giản ở lại trong đẳng hạng là hiến lễ đau khổ mà trong sự cực kỳ đơn sơ chị sẽ vươn tới việc biến đổi nó thành tình yêu.
Đứng trước những hiện tượng nói trên, chị Marthe có thể phản ứng cách nào không? Chị đã kể lại một số hiện tượng cho gia đình. Gia đình không thể tiếp nhận được. Vì thế, người nhà không thể cảm thấy dễ chịu trước bệnh tình của chị. Người ta đã nghĩ chị hơi điên một chút. Chắc chắn chị cũng có kể cho cha Faure biết. Vì thế rõ ràng đó là lý do hai bên không hiểu nhau. Có lẽ cha sở lúng túng và gán cho những hiện tượng đó những nguyên do không siêu nhiên. Cho đến năm 1927, chị không được cha giúp đỡ. Còn về phần chị, chị không có kiến thức tôn giáo. Chị phải tự lo liệu, đọc những gì có thể soi sáng giúp đỡ chị “Tôi đã đọc một số sách tốt” chị tiết lộ như vậy. Chị cậy nhờ vào kinh nghiệm của những người khác. Chúng ta đã thấy chị chép lại và biến đổi kinh phó thác của cha de Bouchaud. Cũng như thế, chúng ta đã thấy trong một lá thư, chị đã dùng từ vựng của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, khi nói về “cái hôn của Chúa Giêsu”. Chị hấp thụ “Truyện Một Tâm Hồn”, và một số từ ngữ của tiểu sử sẽ được chị sử dụng sau này. Nhưng làm thế nào khác được? Chị thực tập sống trong một thế giới chị không biết, một thế giới bao la, phức tạp và chị phải học trong đó mọi sự. Chị học mà không tò mò vô ích, không tìm điều lạ thường. Nhưng để đáp lại nhu cầu của chị, có một câu trong nhật ký của chị: “Tôi muốn đem về nhiều, nhiều linh hồn về cho Chúa Giêsu chỉ bằng tình yêu của tôi và bằng việc tận hiến những đau khổ của tôi, không có ý nào khác hơn là ý của Chúa. Hoặc đúng hơn là ý tôi được hoàn toàn hợp nhất với ý Chúa”.
Như vậy Thiên Chúa ngày càng can thiệp vào đời sống của chị Marthe bằng những nét thần nghiệm rõ ràng. Tuy nhiên thời kỳ chiến đấu chưa chấm dứt. Chị hướng tới việc dâng hiến nhưng bất kể thiện chí của chị, việc dâng hiến chưa đựơc thực hiện hoàn toàn. Chị chưa được Thiên Chúa chiếm ngự hoàn toàn. Vả lại, việc đó có thể đựơc bằng cách nào? Thiên Chúa yêu cầu chị chấp nhận điều này là không bình phục, và chấp nhận sự đau khổ gắn liền với cơn bệnh, kết hợp tất cả vào những đau khổ của Đức Kitô và dâng toàn bộ cho phần rỗi thế giới. Xét về mặt loài người, làm sao bước đi nghịch với mọi xu hướng tự nhiên của con người? Chỉ muốn mà thôi thì chưa đủ. Cần phải có một sức lực trội hơn từ trên cao chiếm lấy con người và ban cho họ năng lực cần thiết. Trong khi chờ đợi những lo lắng vẫn còn đó. Sau này khá lâu, để nêu lên đặc điểm ở thời kỳ đó chị Marthe kể như sau: “Mọi người có thể và phải thực hiện ơn gọi của mình còn tôi thì không… Tôi đã vật lộn với Thiên Chúa… tôi không mong ước bất cứ ai trong các bạn phải đấu tranh với Thiên Chúa”. Tuy nhiên, giữa cuộc chiến quyết định, chị Marthe Robin đã tiến tới chỉ nhờ một sự kiện, chị không mất đức tin, tình yêu, kể cả hy vọng. Có lẽ một nền tảng của bình an đã được thiết lập trong chị. Một cơ sở thiêng liêng và nhân bản giờ đây đã được tạo dựng. Và Thiên Chúa sẽ nhanh chóng làm việc trên cơ sở đó.