Chị Marthe dùng ý tưởng vừa nêu lên để giải thích những xúc tiến thần nghiệm năm 1922. Vấn nạn lớn của chị: tôi phải làm gì đối với đời sống của tôi trong hoàn cảnh của tôi bây giờ? Chị Marthe đã được mạc khải về tình yêu và tình thân mật với Thiên Chúa, nên có thể đưa ra câu trả lời: chị sẽ hiến dâng đời sống như Đức Kitô và như vậy chị sẽ tham dự vào công trình cứu độ dành cho những người tù nhân của tội lỗi. Những lần trò chuyện ở Saint-Péray với bà du By cũng nhắm tới hướng đó. Bà đã có thể dẫn chị vào linh đạo "hy sinh" linh đạo này lúc đó rất thịnh hành trong Giáo Hội: có một phần nhân loại phủ nhận Thiên Chúa. Vậy, phải có những người khác dâng hiến đời sống cho đến cùng với Chúa, để bù đắp sự thiếu thốn tình yêu. Chị Marthe phải dùng sự đau khổ để làm một điều gì. Chị đã bắt đầu tìm được một ý nghĩa cho đau khổ. Bằng chứng là một cuộc gặp gỡ cảm động với một linh mục, tuyên úy bệnh viện thành Angers. Linh mục, cũng như chị, chữa bệnh tại Saint-Péray trong tháng 10 năm 1923. Cha này bị bệnh nặng về thể xác. Hai người có những trao đổi sâu rộng về ơn gọi của chị. Bởi vì chị Marthe đã kể việc xảy ra như sau: “Buổi chiều trước khi cha rời chỗ chữa bệnh, cha đến từ giã tôi, tôi mở hai tay xông tới cha. Cha nói: ‘A, tôi sẽ chết yên ổn và hạnh phúc vì tôi đã ôm chặt người bị đóng đinh của Chúa Giêsu tôi".
Lời này chứa đầy ý nghĩa. Chị Marthe đã nhận một ánh sáng cho đời sống của chị. Chị đã cần nói với một linh mục về đời sống của chị. Chị đã tâm sự với cha về diễn biến nội tâm của chị và coi như là đã được cha hợp thức hoá, thừa nhận là đích thực và khích lệ. Do đó mới có cử chỉ âu yếm của một người cha trước khi từ biệt chị Marthe và thái độ đầy tín nhiệm của chị. Chị chấp nhận bước vào con đường Chúa Quan phòng đã gợi ra cho chị qua tình trạng sức khỏe của chị. Lúc đó chị biết chắc chắn Thiên Chúa sẽ đòi hỏi chị nhiều và chị cần phải sống đời sống anh hùng thật sự.
Một dấu chỉ lòng can đảm đã được chị Marthe thực hiện bằng một cử chỉ trong tháng 8 năm 1925. Tổ chức tiếp đón cấp giáo phận có tổ chức cuộc hành hương Lộ Đức. Cha sở Faure đã dành cho chị một chỗ. Lộ Đức rất nổi tiếng, cơ hội đi Lộ Đức là cơ hội được đến nơi diễm phúc vì đã có sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria, đồng thời cũng là cơ hội được phép lạ chữa bệnh. Đối với một tâm hồn gắn bó với Đức Mẹ, thì đó là dịp sẽ được sống những giờ phút hạnh phúc. Tuy nhiên, chị Marthe nhường chỗ cho chị Marie-Louise Costet người ở làng lân cận la Saint-Martin-d’Aỏt. Cha sở không hiểu, nên rất khó chịu. Ngày 24 tháng 9 năm 1928, anh chồng tương lai của cô Gisèle Boutteville có đề nghị một chuyến đi Lộ Đức nữa, nhưng không kết quả. Chị Marthe muốn ở tại chỗ của mình, trong trang trại gia đình.