Chúa lên trời: một cách thức hoạt động mới - Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên

Chúa lên trời: một cách thức hoạt động mới - Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên

Chúa lên trời: một cách thức hoạt động mới - Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên

CHÚA LÊN TRỜI : MỘT CÁCH THỨC HOẠT ĐỘNG MỚI 

Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20 

Chúa Thăng Thiên, 21/05/2023

Cách trình bày giáo lý đơn giản làm cho tín hữu có cảm tưởng rằng Chúa Cha chỉ làm việc trong công trình tạo dựng, sau đó thì Ngài nghỉ việc. Giai đoạn của Ngôi Hai bắt đầu với việc Nhập Thể và kết thúc khi lên trời. Sau đó là giai đoạn của Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi Thiên Chúa phân chia rõ ràng để tránh “dẫm chân lên nhau”! Cách trình bày ấy giản dị quá, làm cho tín hữu không thấy được sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi. Tuy có những hoạt động cụ thể của mỗi Ngôi Vị, nhưng Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn hoạt động cùng với nhau. Vào ngày Sabát nọ, khi chữa cho người nằm bệnh 38 năm ở hồ Bếtdatha, Chúa Giêsu nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” (Ga 5,17). Như vậy, với biến cố Chúa Kitô lên trời, thì không phải là lúc Ngài “nghỉ việc”, nhưng là bước sang một cách thức làm việc khác. Với ân ban là Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa đưa hoạt động của Chúa Kitô đi vào chiều sâu hơn.

Sách Công Vụ ghi rằng Đức Giêsu đã tuyển chọn các môn đệ nhờ Thánh Thần (x. 1,2), thì bây giờ Ngài cũng muốn các ông hãy chờ đợi ân ban Thánh Thần vào ngày lễ Hiện Xuống, để hoạt động của họ được thực hiện theo Thánh Thần, có nghĩa là đi vào chiều sâu hơn, nội tâm hơn. Chúa Giêsu căn dặn: “ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.” (Cv 1,5). Họ sẽ không dừng lại ở hành vi đạo đức của bản thân (việc sám hối), ở những hình thức bên ngoài, nhưng đi xa hơn, họ trở thành những người làm sống thúc đẩy của Thánh Thần.

Người sống theo Thánh Thần, trước hết được Thánh Thần soi sáng để hiểu biết về Thiên Chúa (bài đọc 2), trở thành “môn đệ” của Đức Kitô để biết thành tâm nghe lời dạy bảo (x. Mt 28,19-20). Đừng hài lòng với những việc đạo đức quen làm, tuy dù chúng luôn cần thiết cho đời sống kitô hữu, nhưng còn phải là người biết mở lòng ra trước Lời Chúa, “đọc” được những thúc đẩy nội tâm và dám sống theo những thúc đẩy ấy. Đó chính là hoạt động ở chiều sâu của Chúa Thánh Thần vào giai đoạn sau khi Chúa Kitô lên trời, giai đoạn đi vào chiều sâu.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn