Cái tôi cá vị và cái tôi cộng đồng - Thứ Tư Tuần XIX - Mùa Thường Niên

Cái tôi cá vị và cái tôi cộng đồng - Thứ Tư Tuần XIX - Mùa Thường Niên

Cái tôi cá vị và cái tôi cộng đồng - Thứ Tư Tuần XIX - Mùa Thường Niên

CÁI TÔI CÁ VỊ VÀ CÁI TÔI CỘNG ĐỒNG 

Đnl 34,1-12; Mt 18,15-20 

Thứ Tư Tuần XIX - Mùa Thường Niên, 16/08/2023

Câu chuyện ông Môsê không vào đất hứa thường được nhìn như là hình phạt của Đức Chúa vì ông yếu tin khi đập gậy vào tảng đá hai lần, theo bản văn sách Dân Số (x. Ds 20,12). Tuy nhiên, bản văn sách Đệ Nhị Luật hôm nay xem ra không có ý đó, mà là một cái nhìn rất tích cực về ông. Một thực tại là ông đã không vào đất hứa, và cũng có thể là Đức Chúa đã trách ông về sự yếu tin. Nhưng thử nhìn chuyện ông không vào đất hứa với cách nhìn khác xem sao.

Bản văn Đệ Nhị Luật hôm nay nói rằng ông Môsê đã được trò chuyện với Chúa thân thiện, gần gũi như hai người bạn, mặt giáp mặt. Ông cũng là người thực hiện những điềm thiêng dấu lạ, “Ông Môsê đã biểu dương tất cả sức mạnh bàn tay ông và gây tất cả nỗi kinh hoàng lớn lao trước mắt toàn thể Israel.” (34,12). Thường thì các bản văn Thánh Kinh nói về sức mạnh tay Chúa, những điềm thiêng dấu lạ được Thiên Chúa thực hiện, nhưng ở đây thì nói là ông Môsê. Dĩ nhiên, người ta hiểu là Thiên Chúa thực hiện qua tay ông, nhưng cách nói này cho thấy cái nhìn rất đáng kính về ông. Nhưng rồi, ông dừng lại ở bên cạnh đất hứa mà không vào. Vai trò của ông dừng lại ở đây để nhường chỗ cho ông Giôsuê, người phụ tá của ông. Bản văn viết: “Ông được mai táng trong thung lũng...” (Đnl 34,6). Cụm từ “được mai táng” ở ngôi thứ ba số ít có khi được cắt nghĩa là chính Thiên Chúa mai táng ông. Điều này cho thấy Thiên Chúa yêu quý ông đồng thời Ngài muốn ông dừng lại ở đó. Và người ta không tìm thấy xác ông nữa. Ông Môsê đã xoá mình hoàn toàn để dành chỗ cho người khác.

Mỗi người có giá trị riêng của mình, đáng quý trọng và đáng tự tin. Nhưng cái tôi cá vị ấy không ở bên lề cuộc sống, không đi song song mà không hề gặp gỡ với người khác. Cái tôi cá vị ấy cần gặp gỡ những cái tôi cá vị khác, phối hợp với nhau và làm nên cái tôi cộng đồng, tức là có tôi trong đó, nhưng không cô độc, mà là trong tương tác, hoà nhịp người khác. Mỗi người có vị trí của mình, nhưng được phối hợp với vị trí của những người chung quanh. Tìm thấy niềm vui là chính mình cùng với niềm vui khi nhìn thấy người khác là chính họ, và tìm thấy niềm vui trong khi cùng lớn lên với nhau, đó là cách sống hạnh phúc mà Thiên Chúa muốn nơi chúng ta. Lắng nghe người khác, nghe những góp ý của họ để cùng lớn lên, đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn