Bài 1: Hãy nhìn lại tình huynh đệ trong đời sống chúng ta hôm nay - Cấm phòng Căn bản - Từ 06.03.2023 - 12.03.2023

Bài 1: Hãy nhìn lại tình huynh đệ trong đời sống chúng ta hôm nay - Cấm phòng Căn bản - Từ 06.03.2023 - 12.03.2023

Bài 1: Hãy nhìn lại tình huynh đệ trong đời sống chúng ta hôm nay - Cấm phòng Căn bản - Từ 06.03.2023 - 12.03.2023

Đề tài tuần Cấm phòng Căn Bản

từ thứ Hai 06.03.2023 - Chúa Nhật 12.03.2023

Có thể sống tình huynh đệ/ thân hữu trong cuộc sống thực tế hôm nay không? 

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Vấn nạn được đưa ra

Lý tưởng về một thế giới huynh đệ, một thế giới của tình thân hữu thật là đẹp, nhưng người ta có thể sống điều đó không trong một thế giới như thế giới ngày nay? Phải chăng đó là điều không tưởng?!

Nếu trả lời CÓ (“chúng ta có thể sống tình huynh đệ ấy”), chúng ta có cảm tưởng mình duy ý chí quá, không trải nghiệm cuộc sống thực tế! Nhưng nếu trả lời KHÔNG (“chúng ta không có thể sống điều ấy được đâu!”), thì lời dạy của Chúa Giêsu về tình yêu thương là một thứ “đồ cổ” quý giá trong viện bảo tàng, chỉ để chiêm ngắm thôi, không thực hành được. Lúc ấy, Chúa Giêsu là người không tưởng hơn ai hết. Nước Trời mà Ngài muốn thực hiện cũng là một “thế giới vẽ”. Vậy thì chúng ta là những người dại dột hơn ai hết khi đi theo Ngài và đi đi tìm kiếm “chiếc bánh vẽ” của Ngài!

Điều quan trọng không kém là khi trả lời KHÔNG, khi cho rằng cuộc sống của tình huynh đệ là ảo tưởng, vô hình chung chúng ta đang “thả nổi” cuộc sống của mình, của những người thân thuộc và của thế giới này trôi xuống dốc của sự thù hằn, của chém giết, của loại trừ...! Và đó là một tội ác! Chỉ ngồi than thở về một thế giới của tội ác sẽ dần dần làm cho người ta trở nên dửng dưng với người chung quanh, và đến lúc nào đó, chính mình cũng bị cuốn vào cách sống thiếu lòng nhân ái với người chung quanh! Không thể “vô can” trong tình huống này, mà phải, hoặc cố gắng đi lên cùng với người khác, hoặc tuột dốc trong tình huynh đệ này.

Hãy nhìn lại tình huynh đệ trong đời sống chúng ta hôm nay

Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải đối diện với vấn đề về tương giao với người khác. Đây là vấn đề quan trọng, bởi vì nó thực sự ảnh hưởng rất sâu xa đến cuộc sống của chúng ta. Niềm vui trong cuộc sống chung làm cho chúng ta thấy cuộc đời này đáng sống. Sự quan tâm đến nhau làm cho cuộc sống thi vị. Nhưng những cuộc cãi vả trong gia đình làm cho cuộc sống bất an, lòng mỗi người cũng tức giận, bực mình, khó chịu. Vợ chồng bất hòa, không thể sống với nhau, thì điều ấy cũng làm bất ổn những người liên hệ. Điều ấy không chấm dứt ở đó: những đứa con bị tổn thương rất lớn, dù chúng đã lớn hay còn bé. Sự đổ vỡ ấy sẽ đưa đến những đổ vỡ tiếp sau đó.

Sự đổ vỡ tương quan trong các cộng đoàn đức tin (giáo phận, giáo xứ, đời sống thánh hiến) luôn là mối bận tâm, nỗi đau đầu cho những người có trách nhiệm và tất cả mọi thành phần của cộng đoàn.

Tham vọng của con người đã đưa đến việc tàn phá cuộc sống của bao nhiêu người. Người ta có cảm tưởng rằng không thể không có chiến tranh trong cuộc sống của nhân loại?! Trong đại dịch Covid, tình liên đới thúc đẩy bao nhiêu người đứng lên, dấn thân cho người bệnh, người đau khổ, thì cũng có không ít người lợi dụng tình thế ấy để trục lợi. Trục lợi ngay trên chính mạng sống, và trên cả xác chết của người khác!!!

Tệ hại hơn nữa là niềm tin tôn giáo được vận dụng để gây chiến, để tàn sát con người.

Điều được gọi là “cuộc Thập Tự chinh” của Giáo Hội Công Giáo trải ra vào thế kỷ 11-12, được coi là thánh chiến để bảo vệ Đất Thánh. Người ta ca tụng những người đã bỏ mình trong các trận chiến ấy; nhưng điều đó thực sự là một vết nhơ vì người ta hiểu không đúng về Thiên Chúa. Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chính thức xin lỗi thế giới về cuộc thập tự chinh và tuyên bố: không có cuộc chiến tranh nào được gọi là thánh cả, và việc nhân danh Thiên Chúa để biện minh cho chiến tranh là một sự xúc phạm đến Danh Thiên Chúa!

Điều này cũng được nói lên bởi Đức Thánh Cha Phanxicô với cuộc chiến diễn ra ở Ucraina:

“Thật không may, cuộc tấn công bạo lực chống Ucraina vẫn tiếp tục, một cuộc tàn sát điên cuồng. Ở đó, mỗi ngày vẫn còn lặp lại những vụ thảm sát tàn bạo. Không có lời nào biện minh cho điều này! Tôi van nài tất cả thành viên của cộng đồng quốc tế cam kết thực sự trong việc làm cho cuộc chiến tranh ghê tởm này chấm dứt...

“Tất cả điều này là vô nhân! Hay đúng hơn, đó là một sự phạm thánh, vì chống lại sự thánh thiêng của sự sống con người, trên hết chống lại sự sống của những người không có khả năng tự vệ. Chúng ta không được quên: đây là một sự tàn ác, vô nhân và phạm thánh!”[1]

Trong khi Thượng Phụ Kiril của Chính Thống Nga thì hứa thiên đàng cho các chiến sĩ đánh chiếm Ucraina:

“Hãy dũng cảm lên để hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Và hãy nhớ rằng nếu bạn hy sinh mạng sống của mình cho đất nước của bạn, bạn sẽ được ở với Chúa trong vương quốc của Ngài, trong vinh quang và cuộc sống vĩnh cửu”[2]

Chủ trương này bị phản đối bởi các Thượng Phụ của các Giáo Hội Chính Thống khác.

Khi Giáo Hội đòi quyền hành trên lãnh vực khoa học mà không dừng lại ở thẩm quyền luân lý của mình, đã gây ra những cuộc thanh trừng, và nhất là gây ra sự thù oán giữa niềm tin và khoa học.

Khi cả Giáo Hội Công Giáo lẫn Tin Lành muốn giành giựt các tín hữu, đã cậy dựa vào quyền bính dân sự, và cũng đã gây ra những cuộc giết hại vào thế kỷ 16.

Những người quá khích giải thích sai lạc về giáo lý Hồi Giáo (trong số đó, không ít người là lãnh đạo, là trí thức), đã xem quan niệm về Jihad (thánh chiến) trong Kinh Coran mang ý nghĩa giết hại, loại trừ những người được coi là “báng bổ” niềm tin của họ. Họ coi đó là bổn phận thiêng thánh của tín hữu Hồi Giáo và làm cho họ nên thánh!!! Những người quân bình hơn, hiểu “thánh chiến” là cuộc chiến đấu nội tâm chống lại tội lỗi và đam mê.

Bạo lực ngày càng nhiều trong cuộc sống xã hội hôm nay, ngay tại đất nước chúng ta! Điều ấy làm cho chất lượng cuộc sống bị hạ thấp, người ta cảm thấy môi trường sống không an toàn. Tính chất bạo lực diễn ra ngay trong cuộc sống của mỗi người chúng ta với những lời nói xúc phạm, gây tổn thương, với những comment thiếu hiểu biết, thiếu văn hoá và vô tội vạ trên các phương tiện truyền thông!


[1] Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20/03/2022

[2] Bài giảng tại Tu viện Zachatyevsky ở Moscow